Nghệ thuật cao nhất nhưng có chỗ khó hiểu là bộ Trang Tử. Tài tưởng
tượng của Trang ít ai bằng, biến hóa một cách kì ảo, ông đặt ra được nhiều
ngụ ngôn, vận dụng được nhiều cố sự trong khi biện thuyết. Văn ông có tiết
tấu, nhiều câu dùng phép biền ngẫu, lời luôn luôn bóng bảy, ảnh hưởng đến
đời sau. Cả trong thơ văn lẫn trong tiểu thuyết, hí kịch.
Tuân Tử đưa văn nghị luận lên mức cao: lời gọn mà sáng, bố cục chặt chẽ,
phân tích khéo léo.
Hàn Phi cũng có tài, tập đại thành những sở trường của các nhà nghị luận
thời Chiến Quốc: lí luận xác đáng, chặt chẽ, dẫn chứng nhiều, dài mà
không rườm, lời mạnh mẽ lại nhiều tình cảm. Bộ Hàn Phi Tử có giá trị hơn
bộ Le Prince của Machiavel (ở Ý - thế kỉ 15) cả về tư tưởng lẫn bút pháp.
---
[1] Khổng Tử không nói rõ ra, nhưng cứ xét nhưng điểm này: ông coi
Nghiêu, Thuấn là những vị thánh, khen thời Nghiêu, Thuấn là hoàng kim
thời đại; khen Nghiêu, Thuấn không truyền ngôi cho con mà cho người
hiền; thì chúng ta biết rằng ông không ưa chế độ quân chủ truyền tử của
nhà Chu mà mong có một chế độ truyền hiền, nhưng ở thời ông, không thể
nào khuyên các ông vua bỏ chế độ truyền tử được, nên ông đành đưa thuyết
Chính Danh ra, để sửa đổi được phần nào cái xấu của chế độ truyền tử.
[2] Tiết này tôi chép lại trang 57-59 trong Đại cương thiên học Trung Quốc
của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê - Cảo Thơm 1970. Chỉ thêm ít hàng.
[3] Bất tức là không nghỉ.
[4] có thể chỉ là một môn đồ của Trang Chu.