SỬ TRUNG QUỐC - Trang 120

Nguyễn Hiến Lê

Sử Trung Quốc

PHẦN II

Thời Quân Chủ

Giai đoạn đầu

Hán thịnh, Hồ còn yếu

TỔNG QUAN VỀ THỜI QUÂN CHỦ

1. Tần Thủy Hoàng chấm dứt thời phong kiến dài non ngàn năm và mở đầu
thời Quân chủ đế quốc dài nhất trong lịch sử Trung Hoa, trên hai ngàn năm.
Khi ông mất thì dân tộc Trung Hoa đã có đủ những yếu tố của một nền văn
minh rực rỡ và đặc biệt: đất đai rất rộng mà liền một khối (khác hẳn đế
quốc La Mã), bằng hai phần ba châu Âu ngày nay; dân số đông nhất thời
đó: khoảng 40 triệu người; một tổ chức hành chánh tập quyền, mạnh về võ
bị; một nền nông nghiệp tiến bộ nhờ sự phát triển về thủy lợi; công nghiệp
gồm đồ gốm, đồ đồng đời Thương rất đẹp, đồ sắt rất bén; kiến trúc có một
công trình đồ sộ: Vạn lí trường thành, nhiều đường sá tốt, rộng, nhiều cung
điện và lăng tẩm nguy nga (tiếc rằng nay không còn đấu vết vì hầu hết dùng
gỗ làm vật liệu), nhất là một nền triết học rất nhân bản, thực tế mà nhiều vẻ;
một nền văn học với những thơ văn bất hủ; và một nền khoa học tuy còn
bập bẹ, kém La Mã, nhưng cũng đã có một số phát minh... ấy là chưa kể
đến một lối chữ tượng hình, biểu ý không giống một lối nào.
Nhà Hán, non một thế kỉ dò dẫm, tạo nên một chế độ quân chủ đặc biệt mà
tôi muốn gọi là chế độ quân chủ sĩ trị, nghĩa là ngôi vua thì thế tập, truyền
tử mà quan lại các cấp thì là kẻ sĩ được tuyển, chứ không ở trông giai cấp
quí tộc như chế độ quân chủ của phương Tây. Nền quân chủ đó tuy chuyên
chế nhưng theo nguyên tắc, vẫn trọng ý dân, do các sử quan và gián quan
phát biểu. Nó được các đời sau củng cố, mở rộng ra và sửa đổi tùy hoàn
cảnh bên ngoài, nhưng những nét chính thì vẫn giữ đủ, khiến nhiều học giả
phương Tây ngạc nhiên rằng trong khi các nền văn minh khác bị tiêu diệt
thì nền văn minh Trung Hoa vẫn đứng vững, hơn nền văn minh Ấn Độ nữa.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.