SỬ TRUNG QUỐC - Trang 118

nhiều sự cố li kì, hấp dẫn như tiểu thuyết; lời văn không khô khan, lúc có
giọng hùng biện, lúc có giọng phúng thích, thường khi cảm động, nhờ thuật
tự sự, và miêu tả đã đạt tới một mức cao. Có được mươi bài đáng gọi là bất
hủ.

Luận thuyết
Về triết học tôi đã xét qua tư tưởng ở trên rồi, đây chỉ nói thêm về nghệ
thuật.
Bộ Luận Ngữ có thể xuất hiện sớm nhất, trong khoảng trăm năm sau khi
Khổng Tử mất. Thời đó phải khắc vào thẻ tre hoặc dùng một cây nhọn
chấm vào sơn rồi viết lên thẻ tre, nên lời ghi chép cần thật gọn. Các môn
sinh của Khổng Tử chỉ chép lại lời của thầy để nhớ rồi truyền lại cho đời
sau, không giảng thêm gì cả, nên nhiều chỗ ta phải suy nghĩ mới tìm thấy
mạch lạc tư tưởng; cũng không ghi trong hoàn cảnh nào, Khổng Tử nói một
câu nào đó, cho nên có nhiều bài, người đời sau không nhất trí về cách giải
thích.
Trong cả bộ chỉ được dăm ba bài dài mười lăm, hai mươi hàng, còn thì rất
ngắn, vài ba hàng. Những bài ngắn thường là cô đọng, thâm thúy như châm
ngôn, mà những bài dài thì tự sự rất linh động, mặc dầu là gọn, ý nghĩa hàm
súc, và có khi bút pháp tinh diệu. Bài Tiên tiến 25 chép lần Khổng Tử hỏi
chí hướng của môn sinh rồi cuối cùng ông ước ao được hưởng cảnh nhàn,
cùng với đàn đồng tử đi tắm mát trên sông; bài Quí Thị 1 chép lời Khổng
Tử mắng Nhiễm Hữu, tự sự hành động, lời hùng hồn mà tư tưởng thâm
thúy; bài Thuật Nhi 14 bắt đầu bằng câu: “Phu tử có vị vua Vệ không? “,
bút pháp rất mới mẻ, ba bài đó đều là những viên ngọc cả.
Bộ Luân Ngữ mở đầu cho thể “ngữ lục” thời sau.
Văn Mạnh tử không cô đọng bằng, nhưng rất hùng hồn, bừng bừng nhiệt
huyết, lời thao thao bất tuyệt, dùng nhiều thí dụ tài tình đập mạnh vào óc
người nghe.
Đạo Đức Kinh còn cô đọng hơn Luận Ngữ nữa, thuộc thể cách ngôn, ý
tưởng thâm thúy mà hình ảnh mới mẻ, lời cân đối, đôi khi có vần, đọc rất
hứng thú.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.