Kiên có một người con gái làm hoàng hậu, và một người con trai cưới con
một Thiền vu Hung Nô, vì vậy mà uy thế của ông ta ở triều đình mỗi ngày
một tăng (chúng ta nên nhớ triều đình gồm rất nhiều người Hán), tới lúc
ông ta tự phong là Tùy Vương, giết tôn thất nhà Chu, dẹp các đảng phải
khác rồi ép vua Chu nhường ngôi cho, hiệu là Tùy Văn đế (581). Từ đó,
các bộ lạc Thác Bạt tan rã, một số hoàn toàn thành người Trung Hoa rồi,
còn thì phiêu bạt khắp nơi, không lưu một vết tích gì trong lịch sử nữa.
Vậy chính một người Hán hợp tác với “rợ” đã diệt được “rợ” mả thống nhất
cả Hoa Bắc, rồi sau chiếm Hoa Nam, thống nhất cả Trung Quốc như chúng
ta sẽ thấy
3. Nam Triều
- Tình hình xã hội miền Nam
Năm 317, nhà Tấn bị Ngũ Hồ chiếm hết miền Bắc, một người trong hoàng
tộc chạy xuống miền Nam, tự xưng là Nguyên đế, đóng đô ở Nam Kinh
ngày nay, dựng một triều đại mới, triều Nam Tấn (317-419). Vô số gia đình
sĩ tộc miền Bắc ùn ùn đổ xuống miền Nam không phải vì lưu luyến với nhà
Tấn mà chỉ để chạy loạn và lập nghiệp. Quân lính, nông dân theo họ rất
đông, không biết là mấy ức, mấy triệu.
Thời đó miền Nam gồm nhiều thổ dân Dao, Thái, Việt và một số người Hán
xuống làm ăn từ thời Tam Quốc, khoảng đầu thế kỉ thứ III, chúng ta gọi họ
là người Trung Hoa cũ để phân biệt với người Trung Hoa mới tới.
Hai nhóm cũ và mới đó khác nhau về ngôn ngữ, phong tục, đều khinh lẫn
nhau và thường xảy ra những cuộc xung đột.
Người cũ lập nghiệp mấy đời rồi, có điền trang lớn, dùng tá điền thổ dân,
hoặc làm chủ những hãng buôn, thành những phú gia vốn liếng rất nhiều.
Trái lại bọn người mới hầu hết là quân nhân, bỏ hết tài sản lại ở Bắc, phá
sản, không có tiền mà cũng không có đất. Tình cảnh của họ y như đồng bào
Bắc của ta di cư những năm 1954-55; họ cũng mong chính quyền Đông
Tấn cho họ một chức quan nào đó để lập lại cơ đồ, và lần lần họ đẩy được
hết các người cũ đi mà thay họ trong guồng máy quốc gia.
Dĩ nhiên họ cũng tìm cách chiếm các đất mới, khai phá cho thật nhiều trong