như người Trung Hoa, mặc y phục Trung Hoa, học nói tiếng Trung Hoa,
đọc sách Trung Hoa, theo các tục lệ Trung Hoa, cũng uống trà như người
Trung Hoa, lại dùng một tên Trung Hoa nữa, Lợi Mã Đậu. Mà thực tình
ông cũng quý văn minh rất cổ của Trung Hoa. Nhờ vậy ông được dân
chúng mến.
Ông không đem kinh thánh ra giảng ngay, mà dạy cho người Trung Hoa
những khoa học của phương Tây: số học, hình học, địa lý, thiên văn. Ông
chỉ cho người Trung Hoa thấy thuyết " Trời tròn đất vuông" của họ sai. Ông
trị bịnh, lập một dưỡng đường ở Nam Kinh. Lần lần người Trung Hoa thấy
người Âu không phải là mọi rợ nữa, mà tò mò muốn biết tôn giáo của họ.
Matteo Ricci được giới thượng lưu Trung Hoa mến, sau cùng được vào
triều yết vua Minh, xin xho đạo Ki Tô được chấp nhận. Ông dâng lên nhà
vua hình Chúa Ki Tô, một bản Cựu Ước, một cây thánh giá, hai đồng hồ
quả lắc, một bản đồ thế giới. Vua Thần Tôn nhận và cho phép ông dựng
giáo đường ở Bắc Kinh và mỗi năm có khoảng vài trăm người Trung Hoa
xin theo đạo, trong số đó có viên Thượng Thư bộ Lễ, ông dịch một số sách
khoa học ra tiếng Trung Hoa, lại viết vài cuốn bằng chữ Hán nữa.
Nhưng khi ông mất, những người nối sự nghiệp của ông không sáng suốt,
giỏi như ông và dân chúng Trung Hoa lại nổi lên đả đảo họ. Còn triều đình
thì không cấm hẳn đạo Ki Tô, nhưng cũng không ưa, và chỉ muốn theo kỹ
thuật của Âu thôi, phong chức cho bốn bác họcu ở Áo Môn để họ chế tạo
cho súng ống.
Lại nhờ một thiên văn học Đức, Adam Schall soạn cho một cuốn sách về
Thiên Văn và sửa lại lịch cho. Vì trong đời Nguyên, Trung Hoa dùng lịch Á
Rập, và cuối đời Minh thấy ngày đó tính sai ngay nhật thực, năm 1610,
Adam Schall sửa lại và y tính được đúng ngày nhật thực năm 1629.
*****
(1) Vương Dương Minh còn là một triết gia danh tiếng ( coi ở sau)