có công Hoa hoá chủ nghĩa Marx.
Trong tập “Nhật ký 1942-1945” (Sách đã dẫn), Vladimirov đã cho ta thấy
rõ sự nghi kỵ, ghét ngầm nhau giữa Staline và Mao. Mao biết Vladimirov
do thám cho Staline nhưng ngoài mặt phải niềm nở tiếp, mà ra mật lệnh
cấm cán bộ của mình giao du với cán bộ của Nga.
Ở Diên An thời đó có hai phe (không kể một nhóm lưng chừng); phe theo
Mao gồm Khang Sinh, Trần Bá Đạt,...; phe theo cộng sản chính thống (theo
Nga) gồm Vương Minh, Bác Cổ,... Mao rất ghét Vương, muốn đầu độc
Vương nhưng không thành; rồi năm 1943, Mao làm một cuộc chỉnh phong
để diệt phe theo Nga. Một phần năm đảng viên bị khai trừ, một số bị giết,
một số tự tử.
Khi nào Staline thua Hitler, Mao tỏ vẻ khinh Staline ra mặt; nhưng về sau
Nga thắng, Mao lại ve vãn Staline để xin viện trợ. Trước sau Mao vẫn
muốn gần Mỹ hơn để xin võ khí, chuẩn bị cho cuộc nội chiến, và có lẽ cũng
để giảm bớt ảnh hưởng của Nga ở Viễn Đông, đừng cho nó hơn ảnh hưởng
của Mỹ. Điều đó dễ hiểu: Trung Hoa có chung biên giới Đông Bắc với Nga
còn Mỹ thì ở xa. Lại thêm tinh thần dân tộc của Mao rất mạnh. Staline biết
vậy cho nên có cảm tình với Tưởng, ủng hộ Tưởng cho tới khi Tưởng bị
Mao đánh bại.
2. Xích mích về ý thức hệ thời Kroutchev
Kroutchev tố Staline là độc tài, tàn nhẫn nên đổi Stalingrad thành
Vogagrad. Mao không ưa hành động đó của Kroutchev có lẽ cũng vì Mao
độc tài. Kroutchev lại muốn hoà hoãn với tư bản, Mao cho như vậy là phản
Marx, theo chủ nghĩa xét lại, là không tưởng, sợ con cọp giấy Mỹ.
3. Xích mích về quyền lợi, đất đai
Khi cách mạng Nga thành công, Lenine tuyên bố trả hết đất mà Nga hoàng
đã chiếm của Trung Hoa. Điều đó không biết có thực hay không, tôi chỉ
biết Nga đã xé bỏ hết các hiệp ước bất bình đẳng ký với Trung Hoa, nhưng
vẫn giữ đất Nga hoàng đã chiếm được ở Ngoại Mông, Mãn Châu. Trung
Hoa ức vì điều đó và hai bên thường gây nhau ở biên giới Mãn Châu (bên
bờ Hắc Long Giang), đóng đồn gờm nhau, lâu lâu nã súng vào nhau.
4. Theo tôi, lý do quan trọng nhất là trên một thế giới, nhất là thế giới cộng