Ông chủ trương vua phải là người có tài, đức; ngôi vua không truyền cho
con mà truyền cho người hiền như Nghiêu truyền cho Thuấn, Thuấn cho
Vũ; nhưng thời ông, sự truyền tử đã có từ lâu đời, không thể bỏ được; ông
chỉ có thể cải thiện chế độ, đào tạo những kẻ sĩ có tài, để giúp bọn quý tộc
và lần lần thay họ mà trị nước. Những kẻ sĩ đó đều được tuyển trong dân
chúng, và từ Hán, Đường trở đi, chế độ quân chủ Trung Hoa có tính cách sĩ
trị, không còn giai cấp quý tộc cha truyền con nối nắm hết các chức vụ lớn
ở trong triều, ngoài quận nữa. Đó là một tiến bộ rất lớn, người phương Tây
phải khen.
Ông lại giảm bớt quyền chuyên chế của vua bằng cách đề cao nhiệm vụ, tư
cách của sử quan, gián quan; dạy cho vua, quan, kẻ sĩ và thường dân rằng
vua phải thương dân như con, phải tôn trọng nguyện vọng của dân ...; phải
chăm lo cho dân đủ ăn, tài sản trong nước phải quân bình, đừng có kẻ
nghèo quá, kẻ giàu quá. Suốt thời quân chủ, ông vua sáng lập một triều đại
nào cũng nghĩ ngay đến vấn đề quân điền, chia đất cho dân cày trước hết.
Ngày nay Tôn Văn và Mao Trạch Đông cũng theo chính sách đó.
Sau cùng Khổng Tử có tinh thần nhân bản rất cao. Ông hiếu hoàn trọng
trung dung, rất ghét sự tàn bạo, và đa số các vua chúa Trung Hoa theo ông.
Học thuyết của Thương Ưởng, Hàn Phi làm cho Tần mạnh lên, thống nhất
được Trung Quốc, nhưng khi thống nhất rồi, dân tộc Trung Hoa không
dùng nó nữa, từ Hán tới Tống, trên 1.500 năm, không có một bạo chúa nào
như Tần Thủy Hoàng. Khi đạo Khổng suy rồi, nhà Minh mới theo nhà
Nguyên (Mông Cổ) dùng chính sách độc tài; nhà Thanh (Mãn Châu) cũng
vậy, và gần đây, còn tệ hơn nữa, Mao Trạch Đông đã tự hào rằng đã giết kẻ
sĩ gấp trăm lần Tần Thủy Hoàng! Nhưng ông ta chưa chết thì “cách mạng
văn hóa” của ông ta đã phải dẹp bỏ.
Về việc phân chia thời đại, tôi không theo cách của đa số học giả phương
Tây (và học giả Trung Hoa bắt chước họ), chia thành thời Thượng Cổ,
Trung Cổ, Cận Cổ, Cận Đại, Hiện Đại. Những danh từ đó mượn của
phương Tây, không áp dụng vào lịch sử Trung Hoa được, trừ hai danh từ
Thượng Cổ và hiện đại. Vì lịch sử Trung Hoa từ Hán cho tới cuối Thanh,
tiến đều đều, không thay đổi gì nhiều như lịch sử phương Tây, không làm