chuột để chúng nhấn vào các thanh theo đúng tần suất và cường độ của tác
động, sự nhiệt tình tôi dành cho loại khoa học này ngày một hao mòn, và
khao khát nghiên cứu thế giới thực càng lúc càng lớn dần. Tôi đến văn
phòng tư vấn việc làm của trường và hỏi xem liệu tôi có thể làm được việc
gì với tấm bằng thạc sỹ. Họ hỏi tôi: “Anh được đào tạo để làm gì?” Tôi trả
lời chua chát: “Để huấn luyện chuột.” “Ngoài ra anh còn làm được gì nữa?”
- họ căn vặn. “À”, tôi lục tìm trong trí nhớ, “tôi có thể nghiên cứu và viết
lách.” Trong sổ giới thiệu việc làm có một công việc liên quan đến nghiên
cứu và viết lách tại một tạp chí thương mại dành cho ngành công nghiệp xe
đạp, thứ tôi hoàn toàn mù tịt. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là tham dự buổi họp
báo do hãng Cycles Peugeout và Michelin Tires tổ chức nhằm vinh danh
John Marino, tay đua chuyên nghiệp vừa phá kỷ lục đạp xe xuyên lục địa từ
Los Angeles tới New York. Tình yêu thể thao lập tức bùng lên trong tôi,
ngay cuối tuần đó tôi tham gia cuộc đua đầu tiên, và suốt hai năm tiếp theo
tôi học hỏi về ngành xuất bản, các kiến thức kinh tế liên quan đến bán hàng,
marketing và môn thể thao xe đạp. Tôi viết báo, bán quảng cáo và đạp xe
tới những nơi xa nhất có thể. Cuối năm 1981, tôi rời tòa soạn, trở thành một
tay đua chuyên nghiệp được nhận tài trợ của các công ty, đồng thời hưởng
lương trợ giảng môn tâm lý học tại Đại học Glendale.
Một ngày vào năm 1981, sau buổi tập luyện dài, Marino kể với tôi về
Andrew Galambos, một nhà vật lý đã nghỉ hưu, đang tổ chức các khóa học
riêng tại Viện Doanh nghiệp Tự do, dưới vỏ bọc mang tên “khoa học lý trí”.
Khóa học nhập môn có mã số V-50. Buổi học Econ 101 bàn về thị trường tự
do, về thế giới mạnh mẽ, đầy sức sống, phân rõ trắng đen, trong đó Adam
Smith tốt, Karl Marx xấu; sở hữu tư nhân tích cực, sở hữu tập thể tiêu cực;
nền kinh tế tự do hiệu quả, nền kinh tế hỗn hợp phi hiệu quả. Khóa học này
rất nổi tiếng ở quận Cam, bang California (hàng xóm của tôi ở Los Angeles
thường gọi đây là “Bức màn Cam”), đây cũng là thời điểm Ronald Reagan
đắc cử tổng thống và đường lối bảo thủ đang thắng thế. Trong khi Rand ủng
hộ sự can thiệp có giới hạn của nhà nước, Galambos lại chủ thuyết tư nhân
hóa tất cả tài sản xã hội nhằm khiến nhà nước trở nên không cần thiết và tự