quan sát hành động “cầm bỏ vào cốc”. Trong trường hợp kia, chỉ có bốn tế
bào thần kinh phản chiếu hoạt động. Điều thú vị là các nhà thần kinh học
kết luận các tế bào thần kinh phản chiếu trong phần não bộ này đã “mã hóa
cùng một hành động (cầm nắm) theo cách khác nhau tùy theo ý định của
chủ thể gắn liền với hành động đó.” Nói cách khác, có những tế bào thần
kinh đặc biệt có khả năng phân biệt giữa hai ý định: cầm lên để đặt vào chỗ
khác và cầm lên để ăn. Tổng quát hơn, điều này cho thấy vai trò của các tế
bào thần kinh phản chiếu trong việc phán đoán hành vi của người khác cũng
như suy đoán ý định của họ.
Từ bắt chước cho đến ý định và cảm xúc, các nghiên cứu fRMI khác đã chỉ
rõ mối liên hệ của mạng lưới thần kinh phản chiếu với sự đồng cảm. Trong
một nghiên cứu, Christian Keysers và đồng nghiệp của ông, nhà thần kinh
học Bruno Wicker, đã quét não bộ của mười hai người trong khi họ gặp hai
tình huống khác nhau: (1) ngửi một mùi vị ghê tởm (a-xít butyric, có mùi
bơ thối) và (2) xem các đoạn phim ngắn chiếu cảnh những người thể hiện
sự ghê tởm bằng nét mặt. Wicker và Keysers nhận thấy cảm nhận sự ghê
tởm và xem người khác bày tỏ sự ghê tởm đều kích thích cùng một hệ
thống tế bào thần kinh tại vùng thùy đảo trước liên quan đến việc xử lý cảm
xúc. Dường như vùng này không thể phân biệt được sự khác nhau giữa trải
nghiệm sự ghê tởm và nhìn thấy sự ghê tởm. Trong một thí nghiệm khác, họ
đã kiểm tra “sự đồng cảm xúc giác” và nhận thấy việc chạm nhẹ vào chân
một người sẽ kích thích vùng vỏ não cảm giác tương tự như khi người này
xem các bức ảnh chụp một người khác bị chạm vào cùng điểm đó. Một thí
nghiệm fRMI có liên quan đã chứng minh điều này với nhiều cảm xúc
chung hơn, khẳng định mối quan hệ giữa việc quan sát và bắt chước biểu
hiện khuôn mặt với thùy đảo trước – nhìn thấy gương mặt biểu cảm của
người khác sẽ kích thích khu vực này giống như khi chính bạn thể hiện cảm
xúc đó.
Để phân biệt rõ việc bắt chước một cử động và sự thấu hiểu của cảm xúc,
Marco Iacoboni đã cùng các đồng nghiệp tiến hành quét não của ba mươi