Có một người Mỹ không bị sốc. Ông đã biết tất cả từ 35 năm trước tại tầng
hầm tòa nhà Khoa Tâm lý học, Đại học Stanford, nơi ông tiến hành thí
nghiệm về sự chi phối của môi trường biến những người đáng lẽ là người
tốt trở thành kẻ xấu. Vào một buổi tối, khi đọc bản tin đó và xem những bức
ảnh chụp nhà tù Abu Ghraib, nhất là cảnh hai tù binh trần truồng thực hiện
hành vi tình dục nguyên thủy, Tiến sỹ Tâm lý xã hội học Philip Zimbardo
nhớ lại thí nghiệm ông tiến hành vào tuần thứ hai tháng 8 năm 1971, trong
đó ông ngẫu nhiên xếp một nhóm sinh viên tình nguyện thành cai ngục và
tù nhân trong môi trường mô phỏng nhà tù. Lẽ ra, cuộc thí nghiệm kéo dài
hai tuần nhưng Zimbardo buộc phải kết thúc nó sau sáu ngày khi những
chàng trai trẻ hiền lành, thông minh, có học thức trở thành những tên cai
ngục tàn bạo hay những tù nhân với tâm hồn vụn vỡ. Zimbardo tự hỏi,
chẳng lẽ chúng ta không học được gì sau ba thập kỷ nghiên cứu tâm lý xã
hội cái ác. Khi ông chứng kiến các nhà lãnh đạo quân đội, chính trị gia và
bình luận xã hội co rúm mình trong khiếp đảm và tuyên bố đây chỉ là kết
cục của vài trái táo thối, Zimbardo biết ông phải làm gì. Liên hệ nghiên cứu
trong quá khứ với những sự kiện đang diễn ra, ông gọi đây là Hiệu ứng
Lucifer (cũng chính là nhan đề cuốn sách của ông), hay sự chuyển hóa nhân
cách biến những người tốt bình thường thành những kẻ xấu khác thường.
Theo Zimbardo, thay vì quy kết cái xấu cho một vài trái táo thối, chúng ta
nên quan tâm tới các thùng chứa nhiều hơn. Sự tiến hóa tạo ra trong mỗi
chúng ta cái xấu tiềm tàng nhưng nó chỉ bộc lộ trong một số môi trường
nhất định. Về mặt kinh tế, nếu phương châm “Tham lam là tốt” của tập
đoàn Enron và Gordon Gekko là quy tắc chứ không phải ngoại lệ, có lẽ thị
trường tư bản chủ nghĩa đã sụp đổ từ lâu. Ngược lại, đạo đức kinh doanh
“Không làm điều xấu” của Google mời là quy tắc.
Để thị trường có đạo đức cần có hai điều kiện: (1) lòng tin nội bộ được
củng cố bởi các mối quan hệ cá nhân; (2) các quy tắc bên ngoài được củng
cố bởi các thể chế xã hội. Trong hai chương trước, chúng ta đã hiểu cách
thức lòng tin được thiết lập thông qua các tương tác cá nhân trực tiếp, đồng