cắm cọc đã chuẩn bị sẵn, nói cách khác là nghệ thuật tập trung lực lượng và
lựa chọn địa điểm quyết chiến. Để làm được như thế thì phải “trên thông
thiên văn, dưới tường địa lý”. Ngô Quyền sở hữu một mạng lưới tình báo
đủ tốt để ngăn cản được những thông tin tuồn ra bên ngoài về việc cắm cọc
nhọn trên sông, và đủ lớn để có thể biết được thời gian mà quân Nam Hán
đổ bộ vào Bạch Đằng. Đến khi giao chiến, Ngô Quyền phải tính toán thời
gian sao cho khớp để có thể dẫn dụ quân Nam Hán đến cửa sông khi thủy
triều còn dâng cao che đi những chiếc cọc nhọn và tính toán sao cho đúng
thời điểm thủy triều chuẩn bị rút.
Vào thời điểm mà thủy triều chuẩn bị rút đi cũng là lúc ông cho quân
quay đầu giao chiến đánh liều chết, đánh rát từ các hướng để ép đội thuyền
của quân Nam Hán phải lùi ra cửa sông. Những cọc nhọn nhô lên mặt sông
trở thành bãi đá ngầm chọc thủng thuyền của giặc, khiến chúng va vào
nhau, kẹt cứng ở đó như cá mắc cạn. Thuyền của Ngô Quyền vốn là thuyền
nhỏ, rất linh động, lại nắm vững địa hình sông liền ào tới, luồn lách mà
đánh vào. Phần còn lại, quá đơn giản để đoán biết kết quả.
Nghệ thuật cắm cọc nhọn ngăn giặc phương Bắc đều là từ Ngô Quyền
mà ra.
Ngô Thì Sĩ nhận định trong sách Việt sử tiêu án như sau: “Trận đánh ở
Bạch Đằng là cái căn bản khôi phục quốc thống đó. Sau này Đinh, Lê, Lý,
Trần còn phải nhờ dư liệt ấy. Võ công hiển hách của Ngô Quyền, tiếng
thơm nghìn đời, đâu có phải chỉ khoe khoang một lúc bấy giờ mà thôi.”
3. Tiền Ngô Vương
Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền xưng là vương, trở thành vị vua sáng lập
ra nhà Ngô; dời đô tới Cổ Loa, như nhắc nhở về vong hồn dân tộc 1000
năm về trước thuở chưa mất nước. Từ đây, dân tộc ta chính thức chấm dứt
1000 năm Bắc thuộc. Người không có miếu hiệu, cũng chẳng có thụy hiệu,
con cháu đời sau vì quá yêu quý và ngưỡng mộ mà gọi là Tiền Ngô Vương.