Đến năm 944, Ngô Vương qua đời khi mới 47 tuổi, chỉ làm vua được 6
năm. Nhưng công tích để lại thì vô cùng rực rỡ. Sử gia Lê Văn Hưu khi
biên soạn Đại Việt sử ký đã viết về ngài với sự ngưỡng mộ không giấu
giếm: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá
được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho
người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một cơn giận mà
yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy.”
Còn sử gia Ngô Sĩ Liên thì viết trong Đại Việt sử ký toàn thư như sau:
“Mưu tài đánh giỏi, làm nên công dựng lại cơ đồ, đứng đầu các vua.”
Sử gia các thời đại đều nhắc về Ngô Vương với tình cảm và sự khâm
phục. Hậu nhân nhắc về Ngô Quyền còn đầy lòng tự hào và biết ơn.
Nguyễn Trãi khi đi qua cửa sông Bạch Đằng, đã có câu thơ tả về dòng sông
ấy như sau:
“Quan hà bách nhị do thiên thiết,
Hào kiệt công danh thử địa tằng.
”
Nghĩa là:
“Cửa sông xung yếu do trời đặt, hai người chống cả trăm người,
Những bậc anh hùng xưa kia từng lập công đất này.”
Ngô Quyền và chiến thắng trên lòng sông Bạch Đằng năm 938 không chỉ
mở ra giai đoạn độc lập lâu dài của dân tộc, chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc
mà còn dành tặng cho hậu nhân một bài học binh pháp để bảo vệ nền độc
lập tự chủ trong suốt 1000 năm tiếp theo, đây là nghệ thuật mai phục và
cắm cọc nhọn trên lòng sông lịch sử, hòng bảo vệ đất nước trong cơn nguy
nan.