Chính quyền ấy đã được tạo nên từ cách đó hơn 30 năm, dưới tay của một
vị hào trưởng thuộc đất Hồng Châu, tỉnh Hải Dương: Khúc Thừa Dụ. Ba
đời dòng họ Khúc (Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ) đã xây
dựng một chính quyền của nước Nam riêng biệt với phương Bắc, với một
nền kinh tế tự chủ và một đội quân bảo vệ Giao Châu hoàn toàn của người
Việt.
Bởi vậy điểm mấu chốt cho thắng lợi của Ngô Quyền không phải là
chiến thuật trên sông Bạch Đằng mà ở cái gốc rễ được tạo dựng dưới chân
Ngô Vương trước đó. Bạch Đằng chỉ là chiến trường để phân định thắng
thua, là nơi ghi nhận tài năng quân sự của Ngô Vương, còn phía sau lưng
Ngô Vương thì quyền lực đã được quản lý đến cấp địa phương. Sự khác
biệt quan trọng của một chính quyền “ăn sâu bén rễ” đến cấp thôn làng đã
giúp Ngô Quyền, chứ không phải Hai Bà Trưng hay Lý Nam Đế, mới là
người chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc của dân tộc.
1. Khúc Thừa Dụ
“Thời thể tạo anh hùng”, câu nói ấy chính ứng vào Khúc Thừa Dụ. Cuối
thế kỷ IX, nhà Đường đi vào giai đoạn suy vong. Sự suy yếu đến tận gốc rễ
của một trong những triều đại hùng mạnh nhất Trung Quốc đã tạo điều kiện
cho vương quốc của người Bạch và người Di tên là Nam Chiếu hùng mạnh
lên. Nam Chiếu đã tấn công thẳng vào An Nam, cạnh tranh nhà Đường.
Nhưng sự suy yếu của nhà Đường cùng sự đi xuống của Nam Chiếu theo
thời gian viễn chinh đã dẫn đến một cuộc chiến tương tàn mà cả hai bên
đều thất bại, cuối cùng chỉ có người Việt chiến thắng. Sự rối ren đã đưa
quyền lực đến cho quyền thần Chu Toàn Trung. Lúc này, Chu Toàn Dục là
tiết độ sứ An Nam nhưng sau đó lại được thay bằng tiết độ sứ Độc Cô Tổn.
Độc Cô Tổn lại không được lòng quyền thần Chu Toàn Trung, cuối cùng bị
giết. Đất An Nam không có tiết độ sứ, còn chính quyền đô hộ như rắn mất
đầu.