Chính lúc này vị anh hùng của chúng ta là Khúc Thừa Dụ bước chân lên
vũ đài lịch sử. Ông là một hào trưởng thuộc đất Hồng Châu, tỉnh Hải
Dương. Được dân chúng ủng hộ, ông đã cùng với bộ thuộc tiến quân ra
chiếm đóng phủ thành Tống Bình (Hà Nội) và tự xưng là tiết độ sứ. Việt sử
thông giám cương mục (Tiền biên, quyển 5) chép lại: “Họ Khúc là một họ
lớn lâu đời ở Hồng Châu. Khúc Thừa Dụ tính khoan hòa, hay thương
người, được dân chúng suy tôn. Gặp thời buổi loạn lạc, nhân danh là hào
trưởng một xứ, Thừa Dụ tự xưng là tiết độ sứ.” Như vậy, Khúc Thừa Dụ đã
thực hiện một màn cướp chính quyền trong âm thầm và đẩy nhà Đường vào
thế sự đã rồi, buộc phải công nhận tước vị của ông. Sự khôn khéo của Khúc
Thừa Dụ nằm ở chỗ, ông không dựng cờ để gây sự chú ý mà âm thầm xây
dựng một chính quyền của người Việt và cho người Việt. Ông đứng trên
danh nghĩa là tiết độ sứ của nhà Đường, là người thuộc bộ máy đô hộ,
nhưng phía sau lại làm công việc của một người giành độc lập. Đấy là
chuyển quyền tự chủ dân tộc sang cho người Việt, một cách khéo léo.
Trí tuệ của Khúc Thừa Dụ còn ở cái cách khiến cho nhà Đường phong
hàm tước đồng bình chương sự cho ông. Rồi dùng chính chức tước ấy, ông
phong cho con là Khúc Hạo chức vụ Tĩnh Hải hành quân tự mã quyền tri
lưu hậu, tức là chức vụ chỉ huy quân đội và sẽ thay thế nắm quyền hành tiết
độ sứ khi cha mất đi. Ông muốn rằng, nếu một ngày mình tạ thế thì quyền
lực vẫn trong tay người Việt.
Ngày 23 tháng 7 năm 907, Khúc Thừa Dụ mất, người đời sau thương
mến gọi ông là Khúc Tiên chủ, dù cho ông chưa hề xưng đế hay xưng
vương. Con ông - Khúc Hạo - lên nắm quyền chức tiết độ sứ thay cha, và
lúc này, Khúc Hạo chứng minh bản lĩnh của một người kế thừa xứng đáng.
Khúc Hạo là một nhà cải cách lớn ngay từ thế kỷ X, một nhân tài trị quốc
dường như đã bị bỏ quên và cần ghi công lại trong dòng chảy của lịch sử
dân tộc.
2. Khúc Hạo