Lúc này, nhà Đường đã mất, Trung Quốc bước vào giai đoạn “Ngũ đại
Thập quốc
”. Nhà Hậu Lương một lần nữa muốn quay trở lại thôn tính
nước ta. Vua Hậu Lương là Chu Ôn (tức Chu Toàn Trung) phong cho Lưu
Ẩn chức tiết độ phó sứ Quảng Châu, nhưng lại kiếm thêm Tĩnh Hải quân
tiết độ, An Nam đô hộ, như một cách gián tiếp cho phép Lưu Ẩn được
quyền quay lại An Nam nắm quyền. Đứng trước tình thế nguy hiểm ấy,
Khúc Hạo mềm mỏng xưng tôi với vua Hậu Lương, đưa vàng bạc qua
thương thuyết. Ông đối ngoại khôn khéo và giữ yên được bờ cõi, tránh
được một cuộc can qua. Cùng với đó là đường hướng đối nội, Khúc Hạo
tiến hành cải cách ở hai mặt hành chính và kinh tế để giúp nước Việt vững
mạnh, nhằm đương đầu khi có chiến tranh, xác lập tự chủ lâu bền.
Cho đến bây giờ, chúng ta đều nắm rõ, để một vương triều tồn tại lâu dài
cần phải có sự gắn kết trong bộ máy hành chính: cai trị từ trung ương đến
địa phương. Vào thế kỷ X, Khúc Hạo đã nghĩ đến điều đó. Một chiến thắng
ngoài mặt trận không thể giúp đất nước vững bền, nhưng một hệ thống
hành chính kiện toàn có thể làm được điều đó.
Khúc Hạo chia cả nước thành đơn vị hành chính các cấp: lộ, phủ, châu,
giáp, xã. Thời thuộc Đường, dưới châu là hương, Khúc Hạo đổi hương là
giáp. Mỗi giáp có một quản giáp và một phó tri giáp để trông nom việc thu
thuế. Theo sách An Nam chí nguyên, Khúc Hạo đặt thêm 150 giáp cả thảy
bao gồm trước đó, tổng cộng trên cả nước ta có 314 giáp. Dưới giáp là xã,
mỗi xã có xã quan, một chánh lệnh trưởng và một tá lệnh trưởng. Dưới xã
là quận, tổng cộng, trình tự bộ máy thời họ Khúc tự chủ do ông cải cách là:
lộ - phủ - châu - giáp - xã - quận.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Nam có một cuộc cải cách sâu
rộng đến như thế. Chính những cải cách gần dân và ở cấp cơ sở này sẽ là
tiền đề để 30 năm sau, Ngô Quyền chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc một cách
đường đường chính chính.
Cần phải nhấn mạnh: Ở bộ máy cải cách do Khúc Hạo đặt ra có một
điểm đặc biệt quan trọng để sau này không chỉ giúp nước ta giành được độc