phủ thành Đại La (Hà Nội) bị chiếm. May sao một vị ái tướng nhà họ Khúc
tên là Dương Đình Nghệ đã đem quân vây lấy quân Nam Hán, chém chết
hai tướng, rồi giành quyền tự chủ về lại cho nước Việt, ông là vị tiết độ sứ
kế thừa dòng họ Khúc. Nhưng Dương Đình Nghệ chỉ ở cương vị tiết độ sứ
được 7 năm thì bị nha tướng Kiều Công Tiễn giết hại. Con rể của ông là
Ngô Quyền (cưới con gái của Dương Đình Nghệ là Dương Như Ngọc) đã
đưa bộ thuộc từ Thanh Hóa đến bảo vệ Đại La, giao chiến trên sông Bạch
Đằng. Phần còn lại, hẳn chúng ta đều đã biết.
Dẫu chỉ tồn tại đúng 25 năm nhưng dòng họ Khúc đã đặt nền móng tự
chủ cho dân tộc Việt Nam một cách vững vàng, từ chiến thắng ngoài trận
tiền cho đến việc kiến quốc, dựng nước, tạo nền tảng hành chính - kinh tế
mà các triều Ngô, Đinh và Tiền Lê đã kế thừa.
Sử gia Lê Tung nhà Hậu Lê thế kỷ XVI đánh giá công lao của Khúc
Hạo: “Khúc Trung Chúa (tức Khúc Hạo) nối nghiệp mở nước, khoan hòa,
có phong thái trù mưu định kể quyết thắng, ngoài ý mọi người, chống chọi
các nước Bắc triều, thật là bậc chúa hiền của nước Việt.”
Những trang sử vẻ vang của dân tộc rồi đây sẽ lần lượt được kể lại với
những chiến thắng và những công tích kỳ vĩ. Nhưng hậu nhân không bao
giờ quên có một dòng họ Khúc thầm lặng đã xây nên một nền móng vững
vàng, cho khúc ca tự chủ ngân lên vào năm 938 sau này.