nữa! Khi hết sức tập trung vào người nói và nội dung họ đang nói, bạn sẽ
“khuyếch đại” được những âm thanh cần nghe và “tắt” hẳn những âm thanh
nhiễu khác.
Một trong những cách dễ dàng để phát triển năng lực “mới” này chính là
trò chơi Lắng nghe từ cuộc sống. Mỗi khi đi tản bộ ngoài trời, hãy “bắt
sóng” những “trạm phát thanh” quanh bạn. Lắng nghe các “kênh” như tiếng
chim hót, tiếng người, tiếng xe cộ, tiếng mưa, tiếng gió…
Nếu bạn thường xuyên luyện tập cách tách riêng những âm thanh mà bạn
muốn nghe, bạn sẽ trở thành bậc thầy trong việc tách lọc những âm thanh
không mong muốn. Bạn sẽ thêm trân trọng thế giới âm thanh sống động
này, đồng thời cũng nâng cao khả năng lắng nghe và Trí tuệ Xã hội của bản
thân.
3. Tỷ lệ 2:1
Hãy nhớ rằng bạn có hai tai và một cái miệng – chứ không phải ngược
lại!
Lần tới, khi ở vào tình huống thích hợp, hãy cố gắng dành thời gian lắng
nghe nhiều gấp đôi thời gian nói. Trí tuệ Xã hội của bạn sẽ được củng cố
mạnh mẽ nếu bạn làm được như vậy – người ta thường bảo người càng
thông thái thì càng ít nói, và sẽ lắng nghe nhiều hơn.
4. Giao tiếp bằng mắt
Giao tiếp bằng mắt chính là yếu tố cơ bản để thể hiện sự quan tâm, ấy
vậy mà mọi người thường quên mất điều này. Như vậy không có nghĩa là
bạn phải liên tục nhìn chằm chằm vào mắt người đối diện trong suốt quá
trình giao tiếp (có nhiều người cảm thấy sợ khi bị nhìn chằm chằm, nhưng
cũng trong nhiều trường hợp cái nhìn này lại được chấp nhận!).
Thường xuyên trao cái nhìn ấm áp là cách ngầm bảo rằng bạn vẫn quan
tâm đến cuộc hội thoại, cũng như vẫn chú ý đến người nói.
5. Ghi chép bằng Bản đồ Tư duy