Thực sự, tôi đồng ý với bài học đầu tiên của thầy tôi, không bao giờ
gây chiến và chỉ dùng kỹ năng võ thuật để tự vệ. Ngay lúc này, tôi
đang có cơ hội kiểm tra khả năng của mình trong thực tế, trong một
tình huống rõ ràng là chính đáng. Trong khi những hành khách khác
ngồi co cứng tại chỗ, tôi đứng dậy, chầm chậm bước tới với sự thận
trọng.
Nhìn thấy tôi, gã say kia gầm lên: “A ha! Một tên ngoại quốc! Chắc
anh cần một bài học về cách cư xử của người Nhật đây!”, và bắt đầu
gồng mình lên thách thức tôi.
Nhưng ngay khi gã ta sắp sấn tới, chợt có ai đó la lên với giọng vui vẻ
lạ thường: “Hê!”.
Tiếng kêu có âm điệu vui vẻ, thân ái như tiếng gọi bạn. Gã say rượu
ngạc nhiên nhìn xung quanh thì thấy một người đàn ông Nhật nhỏ bé,
chắc khoảng bảy mươi tuổi, đang tươi cười nhìn và khẽ vẫy tay ra hiệu
với gã.
Gã lảo đảo lao tới với tinh thần hiếu chiến: “Mắc mớ gì tôi phải nói
chuyện với ông?”. Trong lúc đó, tôi đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng hạ gục
gã say ấy ngay nếu hắn ra đòn tấn công, dù chỉ là một cử động nhỏ
nhất.
Nhìn vào gã công nhân say khướt kia, ông cụ hỏi thăm hắn với ánh
mắt biết cười: “Anh bạn đã uống gì đó?”. “Tôi uống rượu sake, mà
đây đâu phải là việc của ông!”, gã say gầm lên.
“Ồ, thật là tuyệt, rất tuyệt!”, ông cụ đáp lại với giọng ấm áp. “Anh
biết không, tôi cũng thích rượu sake lắm. Mỗi tối, tôi và vợ tôi – anh
biết không, bà ấy bảy mươi sáu tuổi rồi đấy – làm ấm một chai rượu
sake và đem nó ra vườn, ngồi cạnh nhau trên một băng ghế dài...”.
Ông cụ lại chuyển sang câu chuyện về cây hồng trong sân nhà ông, về
những hoa trái phong phú nơi vườn nhà, về khoảnh khắc thưởng thức
rượu sake vào buổi tối.
Khuôn mặt gã say dần giãn ra và nắm tay của anh cũng được thả lỏng
khi anh trôi theo mạch chuyện của ông cụ. “Vâng… tôi cũng thích cây
hồng lắm…”, anh ta nói, giọng kéo dài.