“Tôi đề xuất một ý tưởng cấp tiến, có liên quan đến việc trả cho nhân
viên những gì họ đáng được hưởng và cho phép họ có tiếng nói trong ban
quản lý. Đổi lại họ sẽ có những nhượng bộ về việc phân định trách nhiệm
và làm thêm giờ, nhưng ban giám đốc quyết định rằng tôi là người thuộc
cánh tả và thế là tôi phải ra đi.”
“Một người phe cánh tả?” Những người cánh tả chẳng có gì hay ho lắm
thì phải? Họ bắt bạn phải tham gia những cuộc biểu tình và họ có những
chiếc xe thật kinh khủng. Trabant. Lada. Đấy là nếu như họ có xe. Nhưng
Jack có một chiếc Beemer
“Cái dạo còn trẻ tuổi và tràn đầy lý tưởng của mình,” anh nện cho đường
ống nước một cú trời giáng bằng cái cờ lê, “tôi có thể được coi là một
người theo chủ nghĩa xã hội.”
“Nhưng giờ thì anh không còn chứ?” Lisa nói, với vẻ hốt hoảng.
“Không,” anh lặng lẽ cười buồn. “Đừng có tỏ ra lo lắng thế. Tôi từ bỏ lý
tưởng khi nhận thấy hầu hết công nhân đều hài lòng với việc chơi xổ số
hoặc mua cổ phiếu trong những tổ chức nhà nước đã tư nhân hóa, và lợi ích
kinh tế của bản thân là cái mà họ hài lòng được tự mình chăm lo đến.”
“Quá đúng. Tất cả những gì anh phải làm là làm việc chăm chỉ.” Lisa dịu
giọng. Xét cho cùng, đó chính là điều cô đã làm. Cô cũng thuộc giai cấp lao
động - chậc, lẽ ra là thế giá kể trước kia bố cô thực sự lao động - và điều đó
không hề là một hạn chế đối với cô.
Jack quay lại và trao cho cô một nụ cười khó hiểu. Châm biếm và buồn
bã.
“Nói qua cho tôi về tiểu sử sự nghiệp của anh đi,” Lisa yêu cầu.
Jack quay lại với bình nước nóng và bắt đầu nói không có vẻ gì là hào
hứng cho lắm, “Rời đại học với bằng Thạc sĩ về truyền thông, hoàn thành
quãng thời gian làm việc bắt buộc ở nước ngoài kiểu Ireland - hai năm cho
một tập đoàn truyền thông New York, bốn năm ở San Francisco cho một
kênh truyền hình cáp - trở về Ireland vừa kịp cho giai đoạn phép màu kinh
tế, bị đá đít như tôi vừa kể. Rồi cách đây hai năm lão Calvin Carter giao
cho tôi phụ trách ở đây.”