mẹ kế pha, tôi tìm khắp nhà mà không thấy Anna đâu. Khách khứa vẫn
đông và ăn uống vui vẻ. Trên bàn đầy ắp các đặc sản của vùng. Thơm nức
mùi tỏi béo ngậy. Người ta tiếp tục mở rượu vang. Nghe nói sâm-banh và
ga-tô đang đợi trong tủ lạnh. Có lẽ cũng là đặc sản của vùng. Chẳng ai còn
có thời giờ mà nhớ người đã khuất. Cái câu “tiếc quá, ông ấy qua đời nửa
đêm hôm kia” biến mất hoàn toàn.
Tôi ra cửa định xem xe của Anna còn đậu ở đó không thì chỉ thấy một dãy
xe rất dài, không hiểu cái nào là của cô ta. Mẹ kế chạy theo bảo túi du lịch
đã chuẩn bị chưa, sắp đến giờ tàu rồi. Tôi hiểu một khi “thỏa thuận hợp
tình” đã xong, bà chỉ muốn tống tiễn tôi và Hanah càng sớm càng tốt.
Nhà ga vẫn như cái nhà hoang. Khi tàu chuyển bánh, mẹ kế đưa tôi một túi
to nói là để Hanah ăn sáng sớm ngày mai. Sau đó, ngập ngừng mấy giây, bà
rút trong người ra một cuốn sổ đã cũ rồi bảo bố tôi để lại nhưng bà chưa kịp
mở, “ma chay bận quá”, nếu tôi muốn thì cầm về Paris mà đọc. Tôi lắc đầu.
May mà còi rúc, tôi kéo Hanah chạy, quên cả chào bà. Và không phải giải
thích lý do. Tôi cũng không biết tại sao tôi lại từ chối đọc nhật kí của bố
tôi. Vấn đề không phải là bận. Tôi vẫn tốn thời giờ vào những cuốn sách
ngẩn ngơ, hay những bộ phim vô bổ, chỉ để nhằm mục đích không phải
dùng đến thuốc ngủ liều mạnh.
Chúng tôi lặp lại hành trình cách đây bốn tám tiếng. Nhưng theo chiều
ngược lại. Ở Toulouse, người ta thông báo phải đợi đến 3h sáng mới có tàu
chậm đi Paris. Hanah nằm bò trên ghế. Tôi cũng mệt không kém. Nửa tiếng
với Anna lúc nãy bây giờ mới thấm. Toàn thân tôi rã rời. Uống đến tách cà
phê thứ năm mà mắt vẫn trĩu xuống. Giữa hai trạng thái, tôi bỗng nhớ tới
cuốn nhật kí của bố tôi. Rất có thể ngay sau khi tàu chạy, mẹ kế đã ném nó
vào sọt rác nhà ga hoặc quay về nhà nhẹ nhàng cho vào lò sưởi cạnh mấy
khúc gỗ thông đang cháy bùng bùng. Tôi ngạc nhiên thấy là tôi không phản
đối hành động ấy của bà, và nếu phải ở địa vị bà thì tôi cũng không biết làm
gì hơn thế. Bộ com-lê đen của bố tôi, bà cũng nhất định bảo tôi giữ lấy mà