Điểm mấu chốt để hiểu được bản năng sinh dục của con người là phải hiểu được
đó là một vấn đề trong sinh học tiến hóa. Khi Darwin mô tả hiện tượng tiến hóa
sinh học trong cuốn sách Nguồn gốc các loài của ông, đa số các bằng chứng của
ông được rút ra từ các đặc điểm giải phẫu. Ông cho rằng hầu hết các cấu trúc của
động vật và thực vật đều tiến hóa và chúng có xu hướng biến đổi từ thế hệ này
sang thế hệ khác. Ông cũng cho rằng động lực chính đằng sau sự thay đổi trong
quá trình tiến hóa chính là chọn lọc tự nhiên. Darwin sử dụng thuật ngữ này để
ám chỉ rằng các loài thực vật và động vật có những đặc điểm thích nghi khác
nhau về giải phẫu; một số đặc điểm thích nghi nào đó có thể cho phép các cá thể
có khả năng chống chọi để sinh tồn và sinh sản thành công hơn các cá thể khác.
Và vì thế, các đặc điểm thích nghi đó sẽ tăng tần số xuất hiện trong quần thể từ
thế hệ này sang thế hệ khác.
Các nhà sinh học sau này đã chỉ ra rằng những lập luận của Darwin về giải phẫu
học cũng có thể ứng dụng cho sinh lí học và hóa sinh: Những đặc điểm sinh lí và
hóa sinh của một loài động vật hoặc thực vật cũng thích ứng với từng kiểu sống
và tiến hóa để đáp ứng với các điều kiện của môi trường. Gần đây hơn, các nhà
sinh học tiến hóa đã cho thấy những hệ thống xã hội của động vật cũng tiến hóa
và thích nghi. Thậm chí giữa các loài động vật có mối quan hệ gần gũi, một số
sống đơn độc, một số khác sống thành từng nhóm nhỏ và một số khác nữa lại
sống thành từng nhóm lớn. Hệ quả của tập tính xã hội là sự sống sót và sinh sản.
Ví dụ như, tùy thuộc vào nguồn thức ăn của một loài nào đó là tập trung hay rải
rác, loài đó có phải đối mặt với những nguy hiểm từ thú ăn thịt hay không mà
việc sống đơn độc hoặc thành từng nhóm có thể tốt hơn cho việc tăng cường khả
năng sống sót và sinh sản của chúng.
Những giả thiết tương tự cũng được áp dụng cho bản năng sinh dục. Một vài đặc
điểm sinh dục có thể có lợi thế cho việc sinh tồn và sinh sản hơn những đặc điểm
khác, phụ thuộc vào nguồn cung cấp thức ăn của từng loài, sự đối mặt với những
loài ăn thịt chúng và những đặc điểm sinh học khác. Tại điểm này, tôi sẽ đề cập
đến một ví dụ về một tập tính mà mới đầu tưởng như hoàn toàn trái ngược với
logic tiến hóa: Tập tính ăn thịt đồng loại sau quan hệ tình dục. Con đực của một
số loài nhện và bọ ngựa thường bị bạn tình của chúng ăn thịt ngay sau khi hoặc
thậm chí ngay khi nó đang giao phối với con cái. Việc ăn thịt đồng loại này rõ
ràng có sự chấp thuận của con đực vì khi tiếp cận con cái, con đực không hề có ý