Sau khi tôi công bố các tác phẩm, có rất nhiều người trở thành độc giả
của tôi.
Khoảng gần hai năm sau đó, tôi được công ty AlphaPolis để mắt tới và
đặt vấn đề xuất bản sách. Vậy là tôi trở thành tác giả.
2. Tính cách của nhân vật trong các tiểu thuyết của ông có một phần
nào phản ánh chính con người ông không?
Không chỉ có nhân vật nam mà tôi nghĩ cả nhân vật nữ cũng lấy hình
mẫu từ tôi. Một nhà tâm lý từng chẩn đoán tôi là "một cô bé mười bốn
tuổi". Giới tính vô cùng khó nhận biết, chưa trưởng thành. Tồn tại rất kém,
sợ đủ thứ. Nhưng trí tò mò lại rất phát triển, chuyện gì cũng muốn thử. Tuy
đã cố giữ ý nhưng vẫn bị mọi người gọi là "dị thường", "dở người", đôi khi
còn bị chế nhạo nữa.
Tôi cứ cắt từng đặc điểm từ con người tôi ra và dán lên các nhân vật
thôi.
3. Tại sao trong các cuốn sách của ông luôn có yếu tố kỳ ảo? Đó có
phải thể hiện những khát khao không thể thành hình ở đời thực hay không?
Với tôi, tiểu thuyết là sự giải phóng khỏi hai ức chế. Thứ nhất là lịch
sử cá nhân tôi. Đó là một cách tự trị liệu, một lần nữa giải thoát những đau
buồn, bất an bấy lâu giấu kín trong lòng, chẳng hạn như mối quan hệ giữa
tôi và mẹ. Cuốn Tôi vẫn nghe tiếng em thầm gọi và Em sẽ đến cùng cơn
mưa đã ra đời vì lý do như vậy.
Thứ hai, đấy là sự giải phóng lịch sử nằm sâu bên trong con người.
Đây chính là "vô thức tập thể" mà nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Carl Jung
đề cập tới. Biên tập viên của tôi khi đọc cuốn Nếu gặp người ấy cho tôi gửi
lời chào đã thốt lên rằng "Đây là A-lại-da thức!" Chính xác là như vậy. Đây
là việc giải phóng câu chuyện nằm ở tận cùng tâm hồn con người.