như hai ông Nachmansohn và Pfister đã chỉ rõ, và trong bức thư nổi tiếng
“Thư gửi người xứ Corinth” Thánh Paul đã ca ngợi tình yêu và đặt tình yêu
lên trên hết thì hẳn rằng Ngài đã hiểu từ đó theo nghĩa “rộng”. Từ đó có thể
kết luận rằng người đời không phải lúc nào cũng thực sự hiểu những nhà tư
tưởng vĩ đại của mình ngay cả khi họ làm ra vẻ tôn sùng các bậc vĩ nhân ấy.
Những ham muốn tình ái đó trong phân tâm học gọi là a potiori và
về mặt nguồn gốc thì chính là ham muốn nhục dục. Nhiều “nhà trí thức”
cho rằng gọi như vậy là một sự thoá mạ và để báo thù, họ trách cứ môn
phân tâm học là “loạn dâm”. Người nào cho rằng dục tính là một cái gì đó
xấu xa, đê tiện đối với con người thì người đó hoàn toàn có quyền dùng
những từ thanh nhã hơn như Eros chẳng hạn. Tôi cũng có thể làm như thế
ngay từ đầu và như vậy tôi có thể tránh được nhiều sự phản bác, nhưng tôi
không làm thế vì tôi không phải là kẻ nhu nhược. Không thể biết được điều
đó sẽ đưa đến đâu: đầu tiên là nhượng bộ về ngôn từ, sau đó sẽ dần dần
nhượng bộ trong thực tế. Tôi cho rằng chẳng có gì phải xấu hổ chuyện dục
tính, người ta cho rằng dùng từ Eros trong tiếng Hy lạp thì bớt ngượng,
nhưng từ ấy có khác gì từ yêu của ta và cuối cùng người nào có thể chờ đợi
thì người đó không cần phải nhượng bộ.
Như vậy là chúng tôi giả định rằng các mối liên hệ tình ái (diễn đạt
một cách trung tính: những liên hệ tình cảm) là bản chất của linh hồn tập
thể. Xin nhớ rằng các tác giả mà chúng tôi nói đến ở trên không đả động gì
đến khái niệm ấy cả. Có lẽ những điều phù hợp với quan hệ tình ái đã bị
che dấu sau bức bình phong là ám thị. Hai suy nghĩ sau đây củng cố thêm
giả thuyết của chúng tôi: thứ nhất, đám đông được liên kết bằng một lực
nào đó. Nhưng ngoài cái Eros ấy thì còn lực nào có cái sức mạnh liên kết
mọi người trên thế gian? Thứ hai có cảm tưởng rằng trong đám đông cá
nhân từ bỏ cá tính độc đáo của mình và ngả theo ám thị của đám đông là do
anh ta có nhu cầu đồng thuận với đám đông chứ không phải là mâu thuẫn
với họ, anh ta làm thế là để “chiều lòng họ”.