của họ. Nó đã trở thành một phương tiện thông tin đơn giản và đã từ bỏ công
việc truyền bá một ý tưởng hoặc một học thuyết nào đó. Nó chạy theo mọi
thay đổi của các cái đầu của công chúng, nó tự trao cho mình một trách
nhiệm như thế, bởi nếu không như vậy nó sẽ có nguy cơ bị các biện pháp
cạnh tranh của đối thủ làm mất đi nguồn độc giả. Những tờ báo xưa có ảnh
hưởng mạnh và đáng kính trọng của một thời, mà những câu nói của thế hệ
trước đây được viết trong đó đã được người ta nghe một một cách thành kính
như những lời sấm truyền, chúng đã biến mất hoặc đã trở thành những mẩu
tin được bao bọc xung quanh bởi những sự kiện vặt vãnh, những chuyện xã
hội tầm phào hoặc những quảng cáo làm ăn. Có tờ báo nào ngày nay có thể
đạt đến giàu có khi mà nó cho phép những nhà văn đăng ý kiến của riêng
họ? Và những ý kiến như vậy có chút trọng lượng nào trong số các độc giả,
những người chỉ muốn biết những tin tức vặt vãnh và đọc chỉ để tiêu khiển
và chỉ để đánh hơi những tính toán sau mỗi một lời khuyến mại? Sự phê bình
không còn có cái quyền lực để đem lại sự thắng lợi cho một quyển sách hoặc
một vở kịch. Nó chỉ đem lại cái hại nhiều hơn là làm lợi. Các tờ báo đã ý
thức được sự vô dụng của bất kỳ các ý kiến riêng biệt nào đến độ chúng hạn
chế dần dần các ý kiến phê bình về văn học và chỉ cho đăng mỗi tên của các
cuốn sách và bên cạnh đó là một hoặc hai dòng giới thiệu về chúng, và trong
vòng 20 năm tới đây việc phê bình sân khấu chắc chắn cũng sẽ được đối xử
kiểu như vậy.
Sự nghe ngóng dư luận quần chúng là mối quan tâm chính của báo chí và
chính phủ hiện nay. Sự kiện nào có ảnh hưởng như thế nào vào quá trình dự
thảo một một điều luật, vào mỗi một bài diễn văn là điều rất có giá trị để biết
đối với họ. Việc này không hoàn toàn dễ dàng, vì không có gì có thể biến đổi
và chuyển động nhiều như suy nghĩ của đám đông. Người ta có thể chứng
kiến, họ hôm nay đã nguyền rủa những gì mà hôm qua họ từng tung hô tán
thưởng.
Kết quả cuối cùng của sự mất phương hướng hoàn toàn của dư luận và
sự đồng thời mất đi của các niềm tin cơ bản là sự tan vỡ đối với tất cả các
quan điểm và sự vô cảm ngày càng tăng của đám đông, giống như là một
người chống lại tất cả những gì không động chạm đến lợi ích sát nách của
anh ta. Các học thuyết khoa học, như học thuyết chủ nghĩa xã hội chẳng hạn,
chúng thực ra chỉ có được những kẻ ủng hộ trong tầng lớp thấp, ít học, ví dụ
tầng lớp thợ mỏ, tầng lớp công nhân trong công xưởng. Những người tiểu tư
sản, những thợ thủ công có học đều đã nghi ngờ và không tin tưởng.