"Nhà trường không phải lò sát sinh!"
"Nhà trường bất lực, hiệu trưởng phải từ chức!"
Ngày hôm đó, việc dạy, học, và công tác hành chính của trường
đều bị tê liệt. Một số giảng viên đứng tuổi nói rằng, dường như cả trường
bỗng dưng trở về thời kỳ cách mạng văn hóa! Về sau, ông hiệu trưởng
đành phải cùng với trưởng phòng bảo vệ Trần Bân đứng ra vỗ về đám
đông sinh viên, cam kết sẽ tăng cường công tác bảo vệ, không để xảy ra
vụ việc tương tự nữa, nhưng đám đông vẫn không chịu buông tha. Cho
đến khi ông hiệu trưởng mái tóc bạc phơ phải đưa tay lên ngực nói: nếu
lại có người chết nữa thì ông sẽ nhảy từ nóc khu nhà hành chính này
xuống sân… đám đông mới nguôi cơn thịnh nộ rồi dần dần giải tán.
Sau đó nhà trường mở cuộc họp khẩn cấp, đưa ra quyết định thành
lập Đội công tác trị an gồm phòng bảo vệ kết hợp với hội sinh viên nhà
trường, họ được cấp một ô tô để tuần tra 24/24 trong trường. Đồng thời
chấn chỉnh chế độ quản lý các ký túc xá thật chặt chẽ: đóng cửa ký túc
xá sớm lên, tức 10 giờ tối, ai ra vào các khu nhà học tập đều phải cầm
theo thẻ sinh viên, và phải rời khỏi đó lúc 9 giờ rưỡi tối. Cử thêm một
nhân viên quản lý tăng cường cho các khu nhà học tập và ký túc xá, các
quản lý được sử dụng dùi cui.
Thế là Đại học Sư phạm vốn yên bình bỗng biến thành "trại tập
trung" được canh phòng nghiêm ngặt.
Hễ tối đến, không khí ồn ã mọi ngày chẳng còn, mà trở nên nặng
nề như cõi chết. Sinh viên đến phòng tự học cũng vắng dần. Một số cặp
đôi không chịu nổi sự cô đơn, cũng chỉ có thể buổi tối ra gặp gỡ nhau
chóng vánh rồi vội vã trở lại ký túc xá. Yêu đương dường như một sự
mạo hiểm. Số người ở trong các phòng ký túc cũng không nhiều nữa,
những sinh viên có gia đình ở ngay thành phố không chịu nổi không khí
đầy áp lực, sau khi tan học họ liền trở về với gia đình.
Nhất là khu ký túc II từng xảy ra án mạng, các nam sinh vốn hay
nói cười đùa cợt dường như bỗng chốc trở nên chín chắn, trầm mặc ít