"Ừ, đã từng như vậy." Thái Vĩ nghĩ một lát, gật gật đầu.
"Anh biết tại sao lại xuất hiện hiện tượng này không?"
"Không biết!" Thái Vĩ thật thà trả lời.
Phương Mộc cười, "Đó là bởi vì trước đây anh đã từng gặp một
người có dáng vẻ và tính cách giống như người này, hơn nữa, người đó
đã để lại ấn tượng sâu sắc trong anh. Cho nên, sau khi anh gặp một người
giống người đó, trong tiềm thức của anh liền "áp" những tính cách của
người đó lên con người này, do đó, sẽ lập tức nảy sinh cảm giác yêu hoặc
ghét đối với người này. Hơn nữa, đôi khi chúng ta có thể phát hiện ra,
kiểu trực giác có vẻ duy tâm này lại rất chính xác. Điều này đã nói rõ vấn
đề."
"Vấn đề gì?"
"Có đôi khi, những người có tính cách giống nhau, cũng có dáng
vẻ giống nhau."
Thái Vĩ nhíu mày, "Cesare Lombroso[7]? Kẻ phạm tội bẩm sinh?"
[7] Nhà tâm lý học người Ý (1835 - 1909).
"Đúng vậy, trong Phạm tội nhân luận, Cesare Lombroso đúng là đã
tường thuật về lý luận Kẻ phạm tội bẩm sinh, còn mạnh dạn tổng kết ra
các kiểu tướng mạo của các loại tội phạm: ví dụ kẻ sát nhân thường có
ánh mắt lạnh lùng, có mũi quặp diều hâu, hàm chắc khỏe, tai dài; ví dụ,
kẻ trộm cắp thường có ít tóc, trán hẹp, lông mày rậm và giao nhau… Rất
nhiều người đã phê phán học thuyết của ông là chủ nghĩa duy tâm,
nhưng chớ nên quên rằng, Cesare Lombroso là một học giả tiêu biểu của
chủ nghĩa thực chứng, những kết luận của ông đều được thiết lập trên
nền tảng nghiên cứu thực chứng hết sức nghiêm ngặt. Mặc dù bị nghi là
chủ nghĩa kinh nghiệm, nhưng tôi cảm thấy, lý luận Kẻ phạm tội bẩm
sinh vẫn có tính khoa học nhất định. Ví dụ, khí hậu, dân tộc, văn hóa, ẩm
thực đều có ảnh hưởng tới phạm tội."
"Ví dụ xem?"