Sưu thần kí chép: Tôn Tuấn giết Chu công chúa, táng ở đồi Thạch Tử.
Tôn Hạo lên ngôi, sắp muốn đổi chỗ táng Chu công chúa, nhưng gò mộ
liền nhau, không phân biệt được, mà cung nhân lại biết lúc công chúa chết
thì mặc quần áo gì, bèn sai hai thầy mo đều trú ở một góc để cầu hồn, sai
soi xét mộ, không được gần nhau. Lâu sau, hai thầy mo cùng nói rằng:
“Thấy một người đàn bà khoảng hơn ba mươi tuổi, mặc áo gấm màu xanh
bó đầu, váy áo màu đỏ nhạt, đi giày lụa màu đỏ, từ góc nửa đồi trên đồi
Thạch Tử lấy tay ôm đầu gối than thở, chốc lát lại bước nhẹ, đến trên một
ngôi mộ thì dừng lại, hồi hồi rất lâu, rồi ẩn mất không thấy nữa”. Lời của
hai người, không mưu mà giống, do đó đào mộ, thấy áo quần như thầy mo
nói.
Hà cơ của Tôn Hòa là người huyện Câu Dung quận Đan Dương. Cha là
Toại, vốn là quân kị. Tôn Quyền từng đi tuần các trại mà gặp cơ ở giữa
đường, Quyền đứng xem mà cho là lạ, sai hoạn quan gọi vào, gả cho con là
Hòa. Sinh con trai, Quyền mừng, đặt tên là Bành Tổ, tức Tôn Hạo vậy. Thái
tử Hòa bị phế, sau đó làm Nam Dương Vương, trú ở quận Trường Sa. Tôn
Lượng lên ngôi, Tôn Tuấn phụ chính, Tuấn vốn yêu mến Toàn công chúa,
mà Toàn công chúa lại có hiềm khích với mẹ của Hòa, bèn khuyên Tuấn
dời Hòa đến ở tại huyện Tân Đô, sai sứ giả đến bắt chết, vợ cả là Trương
thị cũng tự sát. Hà cơ nói: “Nếu đều chết theo, ai sẽ nuôi con côi”. Bèn
nương dựa nhau mà nuôi Hạo cùng ba em của Hạo. Hạo lên ngôi, tôn Hòa
làm Chiêu Hiến Hoàng Đế.
Ngô lục chép: Lúc đầu Hạo tôn Hòa làm Chiêu Hiến Hoàng Đế, chẳng
bao lâu lại đổi là Văn Hoàng Đế.
Hà cơ làm Chiêu Hiến Hoàng Hậu, xưng là Thăng Bình Cung, hơn một
tháng, tiến phong làm Hoàng thái hậu. Phong em là Hồng làm Vĩnh Bình
Hầu, em là Tưởng làm Lật Dương Hầu, em là Thực làm Tuyên Thành Hầu.
Hồng chết, con là Mạc nối tự, làm Vũ Lăng Giám quân, bị nhà Tấn giết.
Thực làm đến Đại tư đồ. Cuối thời nhà Ngô suy kém, họ Hà chuyên quyền,
con em ngang ngược, trăm họ lo sợ. Cho nên dân chúng nói phao rằng:
“Hạo chết lâu rồi, lập con của họ Hà thôi”.