Tôn Tĩnh tự Ấu Đài, là em út của Kiên vậy. Kiên mới làm việc, Tĩnh thu
tập bộ khúc trong thôn ấp và họ hàng được năm, sáu trăm người để tự giữ
gìn, mọi người đều nương dựa. Sách phá Lưu Do, bình các huyện, đến đánh
quận Cối Kê, sai người mời Tĩnh, Tĩnh đem người nhà hội với Sách ở
huyện Tiền Đường. Bấy giờ Thái thú Vương Lãng chống Sách ở huyện Cố
Lăng; Sách nhiều lần vượt sông đến đánh, không thắng được. Tĩnh bảo
Sách rằng: “Lãng cậy hiểm giữ thành, khó mà đánh được, phía nam Tra
Độc
Tra, âm tổ gia phiên cách đấy mấy chục dặm, là lối tắt trọng yếu; nên
đến đấy giữ ở mé trong của chúng, đấy gọi là đánh chỗ không phòng bị, ra
chỗ không ngờ vậy. Ta sẽ tự đem quân làm đội tiền phong, tất phá được
chúng”. Sách nói: “Hay”. Bèn vờ lệnh trong quân rằng: “Vừa rồi mưa
nhiều nước đục, quân uống nước phần nhiều bị đau bụng, nay lệnh phải
sắm mấy trăm cái bình sứ để lọc nước”. Đến chiều tối, chợt lấy lửa đốt để
lừa Lãng, lại chia quân nhân buổi đêm xuống đường Tra Độc, đánh úp đồn
Cao Thiên.
Thần là Tùng Chi xét: Ở huyện Vĩnh Hưng ngày nay có cầu Cao Thiên.
Lãng cả kinh, sai bọn Đan Dương Thái thú Chu Hân đem quân đánh
trước; Sách phá bọn Hân, chém chúng, rồi định Cối Kê.
Cối Kê điển lục chép: Hân tự Đại Minh. Thủa trẻ đến kinh sư, theo học
Thái phó Trần Phiền, xem rộng các sách, giỏi ở việc xem khí gió, xét đoán
tai họa. Theo lời của phủ Thái úy, được xếp vào hàng cao, dần dần chuyển
làm Đan Dương Thái thú. Tào Công dấy nghĩa binh, Hân trước sau sai hơn
vạn quân đến giúp Tào Công đánh dẹp. Viên Thuật ở tại miền Hoài Nam,
Hân ghét tính phản nghịch của hắn, quyết không qua lại với hắn.
Hiến Đế xuân thu chép: Viên Thuật sai Ngô Cảnh đánh Hân, không
thắng, Cảnh bèn dọa trăm họ rằng nếu ai dám theo Chu Hân thì giết không
tha. Hân nói: “Tại ta không có đức, trăm họ có tội gì”? Bèn bỏ quân, về
bản quận.
Cử bái Tĩnh làm Phấn vũ hiệu úy, muốn trao cho chức cao, nhưng Tĩnh
nhớ họ hàng phần mộ, không thích làm quan, xin ở lại giữ; Sách nghe theo.