TRUYỆN NGÔ PHẠM
Ngô Phạm tự Văn Tắc, người huyện Thượng Ngu quận Cối Kê. Vì hiểu
thuật số,
mà nổi tiếng ở quận. Cử hữu đạo,
đến kinh đô, nhưng thời loạn không đi. Gặp lúc Tôn Quyền nổi dậy ở miền
đông nam, Phạm trao thân theo giúp, hễ có điềm xấu, liền đoán số mà báo
việc, thuật số phần nhiều ứng nghiệm, bèn vì thế mà nổi tiếng.
Lúc đầu, Quyền ở tại quận Ngô, muốn đánh Hoàng Tổ. Phạm nói: “Năm
nay ít có lợi, không bằng đến năm sau. Năm sau là năm mậu tí, Lưu Biểu
chết thì đất Kinh Châu cũng mất”. Quyền vẫn đánh Tổ, rút cuộc chẳng
thắng. Năm sau, lại phát quân, đi đến Tầm Dương. Phạm xem phong khí,
nhân đó lên thuyền chúc mừng, khuyên đem quân đi nhanh, đến liền phá
Tổ, Tổ liền buổi đêm chạy trốn. Quyền sợ không bắt được, Phạm nói:
“Không lâu nữa tất bắt sống được Tổ”. Đến giữa canh năm, quả nhiên bắt
được. Lưu Biểu đã chết, Kinh Châu bị chia cắt.
Đến năm nhâm thìn, Phạm lại bẩm rằng: “Vào năm giáp ngọ, Lưu Bị sẽ
lấy được Kinh Châu”. Sau đó Lữ Đại từ đất Thục về, gặp Bị ở thành Bạch
Đế, nói là quân sĩ của Bị tan lạc, chết thương quá nửa, việc tất chẳng xong.
Quyền lại hỏi Phạm, Phạm nói: “Lời mà thần nói là mệnh trời, nhưng lời
mà Đại nói là việc người mà thôi”. Bị rút cuộc lấy được đất Thục.
Quyền cùng Lữ Mông mưu đánh Quan Vũ, bàn với bầy tôi thân cận,
nhiều người nói là không đánh được. Quyền lại hỏi Phạm, Phạm nói:
“Đánh được”. Sau Vũ đến tại Mạch Thành, sai sứ xin hàng. Quyền hỏi
Phạm rằng: “Nên cho hàng không”? Phạm nói: “Bên ấy có ý chạy, nói là
hàng tất là dối thôi”. Quyền sai Phan Chương chặn đường đi của Vũ, quân
dò thám về, nói là Vũ đã bỏ đi. Phạm nói: “Dẫu bỏ đi nhưng chẳng thoát
được”. Hỏi lúc nào, đáp nói: “Giữa ngày hôm sau”. Quyền dựng đồng hồ
nước để đợi xem. Đến giữa ngày không thấy tin, lại hỏi vì sao, Phạm nói:
“Lúc này chưa đúng giữa ngày vậy”. Chốc lát, có gió thổi lay động màn
trướng, Phạm vỗ tay nói: “Vũ đến rồi”. Lát sau, người ngoài xưng vạn tuế,
truyền lời là bắt được Vũ.