Hạ Hầu Uyên bại trận, Tào công tranh chiếm đất Hán Trung, vận lương ở
dưới chân núi Bắc Sơn, mấy ngàn vạn hộc
, Hoàng Trung cho rằng có
thể cướp được, Vân dẫn binh theo sau Trung đi lấy lương. Quá hẹn mà
Trung chưa về, Vân dẫn mấy chục quân khinh kỵ phá vây, đón được Trung.
Tào công ở Dương Bình xuất đại quân vây hãm, Vân đi tiên phong đánh
lại, kịch chiến trong vòng vây, quân địch rất đông, thế mạnh, Vân xông pha
trước trận, vừa đánh vừa lui. Quân Tào thua trận, lại họp nhau đuổi, Vân
phá tan quân địch, xông thẳng vào vòng vây. Khi ấy tướng quân Trương
Trứ bị thương, Vân lại cứu được rồi đỡ lên ngựa ruổi chạy về doanh. Tào
công dẫn quân truy bức đến tận nơi, lúc ấy tướng giữ trại Miện Dương
là Trương Dực muốn đóng cửa doanh chống cự địch, Vân vào trong dinh,
sai mở toang cổng trại, hạ cờ im trống. Tào công nghi Vân có phục binh,
dẫn quân quay về
. Vân mới sai thúc trống vang trời, lệnh cho quân cung
nỏ bắn loạn xạ vào sau lưng quân Tào, quân Tào kinh hãi, dẫm lên nhau mà
chạy, rơi xuống sông Hán Thuỷ chết rất nhiều. Hôm sau Tiên chủ tự mình
đến doanh quân của Vân xem xét chiến địa, khen rằng: “Tử Long quả thật
một thân toàn là đảm
vậy.” Rồi cho tấu nhạc uống rượu đến tận đêm
khuya, từ đấy trong quân gọi Vân là Hổ oai tướng quân.
Tôn Quyền đánh úp Kinh châu, Tiên chủ giận lắm, muốn sang đánh
Quyền. Vân can rằng: “Quốc tặc chính là Tào Tháo, không phải Tôn
Quyền, ví bằng đã diệt được Nguỵ, tất Ngô phải phục tùng. Tháo tuy đã
chết, con là Phi làm chuyện soán đoạt, nhân tâm bất phục, nếu ta sớm đồ
được Quan Trung, chiếm giữ thượng lưu hai sông Hà-Vị để thảo phạt kẻ
hung nghịch, các nghĩa sỹ ở Quan Đông tất gói lương dắt ngựa nghênh đón
vua tôi chúng ta. Nếu quên việc đánh Nguỵ, mà đánh Ngô trước; việc binh
đã xảy ra, chẳng thể nào dứt ngay được.” Tiên chủ không nghe, dẫn quân
đông chinh, lưu Vân ở lại đốc trách Giang châu. Tiên chủ thua trận ở Tỷ
Quy, Vân tiến binh đến Vĩnh An, Quân Ngô bèn lui về.
Năm Kiến Hưng nguyên niên, lấy Vân làm trung hộ quân, chức Chinh
Nam tướng quân, tước Đô đình hầu, sau đổi làm Trấn Đông tướng quân.
Năm Kiến Hưng thứ năm, theo Gia Cát Lượng ra Hán Trung. Năm sau,