chóng rời khởi nơi này. Trong thoáng chốc, cả hội trường đã trống không,
chỉ còn lại một cô gái đứng bên dưới bục.
Cô là con gái của Diệp Triết Thái, tên là Diệp Văn Khiết.
Khi bốn cô gái kia hung hăng đánh đập cha mình, tước đoạt đi sinh mạng
của ông, cô đã muốn lao lên bục, nhưng hai người lao công già trong trường
giữ chặt lấy cô, đồng thời thì thào bên tai cô rằng đừng để mình mất mạng
theo, bây giờ cả hội trường đã phát điên lên rồi, sự xuất hiện của cô bé chỉ
kéo theo nhiều tên hung bạo khác mà thôi. Cô từng khản giọng khóc gào,
nhưng âm thanh ấy đã bị nhấn chìm trong tiếng hô khẩu hiệu điên loạn và
tiếng hò hét trợ uy trong hội trường. Khi tất cả âm thanh đều lắng xuống,
bản thân cô cũng không phát ra được âm thanh gì nữa, chỉ biết trân trân
nhìn cái xác đã không còn sự sống của cha mình trên bục, những thứ không
khóc ra, không gào thét ra được ấy tích tụ lại trong máu cô, hoà tan vào đó,
rồi đi theo cô suốt cả cuộc đời.
Khi đám người đã tản đi hết, cô vẫn đứng ở đó, giữ nguyên tư thế lúc bị
hai người lao công già níu chặt lấy, không nhúc nhích, như thể đã hoá đá.
Một lúc sau, cô mới hạ cánh tay đang giơ cao xuống, chầm chậm lẽ người
bước lên bục, ngồi bên cạnh di thể của người cha, nắm lấy một bàn tay đã
lạnh giá của ông, thất thần nhìn về phía xa. Lúc xác ông sắp bị khiêng đi,
Diệp Văn Khiết lấy trong túi áo ra một vật đặt vào bàn tay cha, đó là chiéc
tẩu của ông.
Văn Khiết lẳng lặng rời khỏi sân vận động ngổn ngang không một bóng
người ấy, đi về nhà. Khi cô đi tới tầng dưới nhà tập thể dành cho giáo chức,
liền nghe thấy từ cửa sổ căn hộ nhà mình trên tầng hai vẳng ra những tràng
cười điên dại, do người đàn bà cô từng gọi là mẹ phát ra. Văn Khiết lặng lẽ
quay người đi, để mặc cho đôi chân dẫn cô đến nơi nào khác.