“Một mô hình rất thú vị,” Uông Diểu nhìn khối cầu lớn bằng đồng nói,
giờ anh đã đoán được đại khái nó là gì rồi, “nhưng trong đó có một sơ hở
lớn: lúc Mặt trời mọc và lặn, chúng ta thấy nó chuyển động một cách tương
đối với các ngôi sao, mà vị trí tương đối của tất cả các lỗ trên bề mặt khối
cầu này lại là cố định.”
“Rất đúng. Vì vậy tôi đã đưa ra mô hình được chỉnh sửa, khối cầu vũ trụ
do hai lớp vỏ cầu tạo thành, bầu trời chúng ta nhìn thấy là lớp vỏ bên trong,
lớp vỏ bên ngoài có một lỗ lớn, lớp bên trong có nhiều lỗ nhỏ, ánh sáng
chiếu qua lỗ thủng lớn ở lớp vỏ ngoài phản xạ và tán xạ trong khoảng
không hẹp giữa hai lớp vỏ, khiến tầng giữa này tràn ngập ánh sáng, ánh
sáng này chiếu qua các lỗ nhỏ, chính là tinh tú mà chúng ta trông thấy.”
“Thế còn Mặt trời?”
“Mặt trời là đốm sáng khổng lồ chiếu lên lớp vỏ bên trong qua lỗ thủng ở
lớp vỏ ngoài, độ sáng của nó cao như thế đấy, giống như khi ta chiếu đèn
xuyên qua vỏ trứng vậy, đấy chính là Mặt trời mà chúng ta nhìn thấy. Ánh
sáng tán xạ xung quanh đốm sáng ấy tương đối mạnh, cũng chiếu vào lớp
vỏ trong, đây chính là bầu trời quang đãng mà chúng ta thấy vào buổi ban
ngày.”
“Sức mạnh nào thúc đẩy hai lớp vỏ khối cầu này vận hành bất quy tắc
như vậy?”
“Là sức mạnh của biển lửa bên ngoài vũ trụ.”
“Nhưng kích cỡ và độ sáng của Mặt trời ở những thời kỳ khác nhau là
khác nhau. Trong mô hình hai lớp vỏ này của ông, kích cỡ và độ sáng của
Mặt trời phải là cố định, giả sử biển lửa bên ngoài không đồng đều thì chí ít
kích cỡ cũng phải là không đổi chứ.”
“Anh nghĩ mô hình này đơn giản quá rồi, cùng với sự biến đổi của biển
lửa bên ngoài, kích cỡ của lớp vỏ ngoài cũng sẽ phình ra hoặc thu nhỏ lại,
đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi về kích cỡ và độ sáng của
Mặt trời.”