24. Hồng Ngạn phần 6
Tám năm sau đó là khoảng thời gian bình lặng nhất trong cuộc đời Diệp
Văn Khiết. Những hoảng loạn gây ra bởi trải nghiệm trong cuộc Cách mạng
văn hoá đã dần dần lắng xuống, rốt cuộc cô cũng có thể phần nào thả lỏng
tinh thần. Công trình Hồng Ngạn đã hoàn thành giai đoạn thực nghiệm và
chạy rốt đa, tất cả dần dần đi vào quy củ, các vấn đề kỹ thuật cần phải giải
quyết càng lúc càng ít đi, công việc và cuộc sống cũng đã trở nên có quy
luật.
Sau khoảng thời gian bình tĩnh, những ký ức bấy lâu nay vẫn bị sự căng
thẳng và nỗi sợ áp chế bắt đầu thức tỉnh, Diệp Văn Khiết phát hiện, nỗi đau
thực sự chỉ vừa mới bắt đầu. Ký ức tựa như ác mộng như thể vô số mồi lửa
cháy bùng trở lại trong đống tro tàn, càng cháy càng mạnh, thiêu đốt linh
hồn cô. Với những người phụ nữ bình thường, có lẽ thời gian có thể làm
những vết thương ấy dần khép miệng, xét cho cùng, những phụ nữ gặp cảnh
ngộ giống như cô trong Cách mạng văn hoá quá nhiều, so với rất nhiều
người trong số họ, cô đã xem như là người may mắn. Nhưng Diệp Văn
Khiết là một phụ nữ làm khoa học, cô từ chối quên lãng, hơn nữa còn dùng
con mắt lý tính nhìn thẳng vào những cuồng điên và cố chấp đã khiến cô
tổn thương ấy.
Kỳ thực, những suy xét lý tính về mặt ác của con người của Diệp Văn
Khiết đã bắt đầu từ cái ngày mà cô đọc được Mùa xuân tĩnh lặng. Cùng với
quan hệ càng lúc càng thân thiết với Dương Vệ Ninh, Diệp Văn Khiết đã
thông qua anh, lấy danh nghĩa là thu thập tài liệu kỹ thuật, mua về rất nhiều
tác phẩm lịch sử và triết học kinh điển bằng tiếng nước ngoài, lịch sử nhân
loại được tô điểm bằng những vệt máu loang lổ khiến cô không rét mà run,
đồng thời, tư tưởng trác việt của những nhà tư tưởng đó cũng đã dẫn dắt cô
đi vào chốn bí ẩn nhất, cơ bản nhất của nhân tính.
Kỳ thực, ngay cả ở núi Radar tựa như một chốn đào nguyên cách biệt với
thế giới bên ngoài này, sự phi lý tính và điên cuồng của loài người vẫn ngày