Uông Diểu nhẹ nhàng đẩy cửa, bất ngờ lại ngửi thấy mùi hương nhàn
nhạt. Đó là mùi của rừng già, khiến anh có cảm tưởng như bước vào một
căn nhà nhỏ của người kiểm lâm trong rừng sâu. Vách tường che phủ bằng
từng mảng từng mảng vỏ cây màu nâu, ba chiếc ghế đều là những gốc cây
đơn sơ, bàn viết được ghép lại từ ba gốc cây tương đối lớn, còn cả chiếc
giường kia nữa, rõ ràng cũng được trải bằng cỏ u la của vùng Đông Bắc.
Mọi thứ đều rất thô sơ, tự nhiên, không hề cố ý biểu hiện ra một thứ mỹ
cảm nào cả. Với chức vị của Dương Đông, thu nhập của cô rất cao, có thể
mua nhà ở bất cứ khu vực cao cấp nào, nhưng cô vẫn luôn sống chung với
mẹ ở đây.
Uông Diểu bước đến bên bàn làm việc bằng gốc cây, bài trí bên trên
cũng rất đơn giản, chẳng có thứ gì liên quan đến học thuật cả, cũng không
có đồ dùng của phái nữ; có lẽ là đã được mang đi hết rồi, cũng có thể là
chúng chưa từng có ở đây. Thứ đầu tiên anh chú ý đến là một tấm ảnh đen
trắng lồng trong khung gỗ, ảnh chụp chung của hai mẹ con Dương Đông,
trong ảnh Dương Đông đang ở tuổi thiếu niên, người mẹ ngồi xuống vừa
khéo cao đúng bằng cô. Gió rất lớn, thổi tung mái tóc của hai người đan vào
nhau. Cảnh nền của bức ảnh rất kỳ lạ, bầu trời hình lưới, Uông Diểu xem
xét tỉ mỉ kết cấu sắt thép chống đỡ tấm lưới ấy, suy đoán rằng đó là một ăng
ten parabol hoặc thứ gì đó tương tự, vì kích cỡ quá lớn, viền của nó nằm
ngoài khung hình.
Trong tấm ảnh, đôi mắt to của cô bé Dương Đông toát lên một nỗi kinh
sợ khiến Uông Diểu thầm run rẩy, tựa như thế giới bên ngoài tấm ảnh làm
cô bé vô cùng sợ hãi. Món đồ thứ hai mà Uông Diểu chú ý đến là cuốn sổ
lớn dày cộm đặt ở góc bàn. Thoạt tiên, anh bị mê hoặc bởi chất liệu của
cuốn sổ, mãi đến lúc nhìn thấy hàng chữ nguệch ngoạc kiểu trẻ con trên bìa
sổ: “Sổ vỏ bạch hoa của Dương Đông” mới biết cuốn sổ này được làm bằng
vỏ bạch hoa
(*)
, thời gian đã làm vỏ cây trắng bạc biến thành vàng sậm. Anh
đưa tay chạm vào cuốn sổ, do dự giây lát rồi lại rụt tay trở về.
(*) Một giống bạch dương.