dân do lãnh đạo chính phủ các nước chỉ đạo, nhưng ủy ban di dân Liên
Hiệp Quốc điều phối toàn thế giới. Ở Úc, di dân đều tụ tập theo quốc gia
thành từng phân khu, khiến Úc biến thành phiên bản thu nhỏ của thế giới
trên Trái đất, ngoài các thành phố lớn, các địa danh cũ đều bị bỏ đi, thay
vào đó là tên các quốc gia và thành phố nước ngoài. Hiện nay, New York,
Tokyo và Thượng Hải đều là tên những trại tị nạn toàn những căn nhà lắp
ghép.
Cả Liên Hiệp Quốc lẫn chính phủ các nước đều không có kinh nghiệm
di chuyển và tập trung nhân khẩu với quy mô siêu lớn như vậy, đủ thứ khó
khăn nguy hiểm mau chóng xuất hiện.
Đầu tiên là vấn đề nhà ở, các vị lãnh đạo di dân nhận ra cho dù chuyển
toàn bộ vật liệu xây dựng hiện có trên thế giới đến Úc cũng chỉ thỏa mãn
được một phần năm nhu cầu nhà ở của toàn bộ di dân, mà cũng chỉ đủ cho
mỗi người một chiếc giường mà thôi. Khi di dân đạt đến con số năm trăm
triệu thì đã không đủ vật liệu xây dựng các căn nhà lắp ghép riêng lẻ nữa,
chỉ có thể xây các lều bạt siêu lớn, tương đương với sân vận động, mỗi lều
chứa được hơn mười nghìn người. Thế nhưng, trong môi trường sống và
điều kiện vệ sinh tồi tệ như vậy, bệnh truyền nhiễm trên diện rộng có thể
bùng phát bất cứ lúc nào.
Lương thực bắt đầu thiếu thốn, vì nông nghiệp và công nghiệp vốn có
ở Úc còn xa mới thỏa mãn được nhu cầu của di dân, lương thực cần phải
vận chuyển đến từ các nơi khác trên thế giới. Khi số lượng di dân tăng lên,
quá trình điều vận và phân phát lương thực đến tay di dân càng lúc càng
trở nên phức tạp và tốn thời gian.
Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là sự mất kiểm soát trong xã hội di dân. Ở
khu di dân, xã hội siêu thông tin đã hoàn toàn biến mất, những người mới