Vị ủy viên của nhóm Văn học xin được phát biểu là một nhà văn sáng
tác văn học thiếu nhi, ông ta nói: “Tôi biết, trong các công tác sau này,
nhóm của tôi là nhóm ít có quyền lên tiếng nhất, vì vậy nhân cơ hội này
xin được nói trước vài lời.” Ông ta giơ tập tài liệu bìa màu xanh trên tay
lên nói: “Rất tiếc, tôi cho rằng thông tin tình báo này là không thể giải mã
được.”
“Tại sao lại nghĩ như vậy?” Chủ tịch hỏi.
“Trước tiên cần phải xác định rõ xem chúng ta muốn rút ra được gì từ
trong đó - phương hướng chiến lược tương lai của nhân loại. Giả sử thông
tin này thực sự tồn tại, cho dù nội dung là gì đi nữa, ý nghĩa của nó chắc
chắn phải xác định, chúng ta không thể nào đem những thông tin mơ hồ, đa
nghĩa làm phương hướng chiến lược được, nhưng tính mơ hồ và đa nghĩa
lại chính là đặc điểm của ngôn ngữ văn học. Để đảm bảo an toàn, thông tin
tình báo thực sự mà ba câu chuyện này ẩn chứa nhất định đã được giấu rất
sâu, điều này lại càng làm tăng thêm tính chất đa nghĩa và tính chất bất xác
định, bởi vậy, khó khăn mà chúng ta sẽ phải đối diện không phải là không
đọc ra được thông tin từ ba câu chuyện này, mà có thể là có quá nhiều
thông tin, nhưng cái nào cũng không chuẩn xác.
“Cuối cùng, xin được nói một cầu ngoài đề: Với tư cách một nhà văn
viết cho thiếu nhi, tôi muốn bày tỏ sự kính trọng đến Vân Thiên Minh. Nếu
chỉ coi đây là truyện cổ tích, ba câu chuyện này thực rất hay.”
Ngày hôm sau, IDC bắt đầu triển khai toàn diện công tác giải mã tin tình
báo của Vân Thiên Minh. Rất nhanh sau đó, mọi người liền cảm thấy nhà
văn thiếu nhi kia quả thực dự liệu rất chính xác.