hăng của chúng mà cho rằng chúng tượng trưng cho quần thể văn minh
trong vũ trụ ở trạng thái khu rừng đen tối, khiến cho lũ cá Thao Thiết rơi
vào tình trạng thoải mái mà quên đi tấn công là ám chỉ nguyên tắc phát đi
tuyên bố an toàn với vũ trụ nào đó mà chúng ta chưa biết. Một quan điểm
khác thì lại hoàn toàn trái ngược, cho rằng cá Thao Thiết ám chỉ một loại
người máy có trí thông minh nhân tạo, có thể tích rất nhỏ, nhưng có thể tự
nhân bản. Sau khi phóng lên không gian, chúng sẽ dùng bụi vũ trụ và sao
chổi ở vành đai Kuiper hoặc đám mây Oort làm nguyên liệu để sao chép
bản thân, số lượng của chúng sẽ tăng lên theo cấp số nhân, cuối cùng hình
thành nên một tấm màn chắn có trí thông minh nhân tạo tương tự như vành
đai Kuiper hoặc đám mây Oort bao xung quanh Hệ Mặt trời. Màn chắn này
có thể có nhiều tác dụng khác nhau, ví dụ như ngăn chặn các hạt ánh sáng
tấn công, hoặc khiến Hệ Mặt trời mang một dáng vẻ đặc thù nào đó có thể
quan sát được từ khoảng cách rất xa nhằm đạt đến mục đích tuyên bố an
toàn đối với vũ trụ. Cách giải nghĩa này gọi là “Giả thiết đàn cá”, là một
trong những cách giải nghĩa khá được coi trọng, vì so với các cách giải
nghĩa khác, “Giả thiết đàn cá” có vạch ra một phác họa tương đối rõ nét về
mặt công nghệ. Đây cũng là một cách giải nghĩa được Viện khoa học thế
giới lập dự án sớm nhất để đào sâu nghiên cứu. Có điều, ngay từ đầu IDC
đã không có nhiều hy vọng đối với “Giả thiết đàn cá”, về mặt công nghệ,
khả năng thực hiện giả thiết này tương đối lớn, nhưng nghiên cứu sâu hơn
một bước mới phát hiện, “đàn cá” muốn nhân bản lên tới lúc hình thành
được màn chắn bao quanh khu vực ngoại vi Hệ Mặt trời thì cần tới hơn
mười nghìn năm, đồng thời, nếu xét về công năng của những cỗ máy có trí
tuệ nhân tạo này, dù là hiệu quả phòng ngự hay khả năng phát đi lời tuyên
bố an toàn, cũng chỉ là trăng dưới nước, hoa trong gương mà thôi... Cuối
cùng, “Giả thiết đàn cá” cũng vẫn bị từ bỏ trong lưu luyến.