Rồi cả chiếc ô xoay bảo vệ công chúa, thứ giấy Sóng Tuyết và loại đá
vỏ chai bí ẩn, thứ xà phòng thần kỳ... tất cả những thứ này đều được giải ra
vô số ý nghĩa khác nhau.
Nhưng đúng như lời tác giả viết truyện thiếu nhi kia đã nói, tất cả
những hàm nghĩa này có vẻ đều có khả năng là thật, nhưng tất cả đều
không có cách nào xác nhận được.
Tuy vậy, cũng không phải tất cả nội dung trong ba câu chuyện đều mơ
hồ khó hiểu và mập mờ nước đôi như vậy, ít nhất có một chi tiết mà các
chuyên gia của IDC cho rằng có thể hàm chứa thông tin xác định, thậm chí
còn có thể là chìa khóa để mở ra thông tin tình báo bí ẩn của Vân Thiên
Minh.
Đó chính là địa danh kỳ lạ kia: He’ershingenmosiken.
Vân Thiên Minh kể ba câu chuyện cho Trình Tâm bằng tiếng Trung
thuần túy. Mọi người để ý thấy, phần lớn địa danh và tên người trong
chuyện đều là những tên bằng tiếng Trung có nghĩa xác định rõ ràng, ví dụ
như vương quốc Không Chuyện Kể, biển Thao Thiết, đảo Mộ, công chúa
Hạt Sương, hoàng tử Nước Sâu và Cát Băng, họa sĩ Lỗ Kim và Hồn
Không, đội trưởng Buồm Dài, bà Rộng... nhưng không hiểu sao lại xuất
hiện cái địa danh dịch theo phiên âm như vậy, vả lại còn rất dài, phát âm
cũng kỳ quặc hết sức. Nhưng cái tên kỳ quái này lại xuất hiện nhiều lần
trong câu chuyện, tần suất nhiều đến mức bất bình thường: Họa sĩ Lỗ Kim
và Hồn Không đến từ He’ershingenmosiken, giấy Sóng Tuyết mà họ dùng
để vẽ tranh là đặc sản của He’ershingenmosiken, phiến đá và chiếc bàn là
bằng đá vỏ chai để làm phẳng giấy đều đến từ He’ershingenmosiken, đội
trưởng cấm vệ Buồm Dài sinh ra ở He’ershingenmosiken, xà phòng
He’ershingenmosiken, cá Thao Thiết xuất xứ từ He’ershingenmosiken...