dùng làm phòng khách vẫn ở vị trí cố định của chúng. Các tẩu hút thuốc đặt
ở giá đỡ của chúng, các hộp diêm cũng vậy. Treo ở ba cái đinh là ba cái gậy
chống gióng hàng theo chiều dài của thân gậy. Trên cái bàn một chân ở
trước cửa sổ, một tấm các-tông theo hình cái nón, chứa đầy giấy lụa che cái
mũ phớt mà Dutreuil sẽ đặt cẩn thận vào đó... Bên cạnh, trên nắp, ông ta trải
các tất tay. Ông ta hành động ung dung và máy móc như một người thích
bày các sự vật trong vị trí mà ông đã chọn cho chúng. Vì vậy, khi Rénine di
chuyển một đồ vật, ông phác ra một cử chỉ chống đối, lấy lại cái mũ của
ông, đội nó lên đầu, mở cửa sổ ra và tựa cùi tay vào mép cửa, lưng quay lại
như là ông không thể chịu nổi cảnh tượng phạm thượng như vậy.
- Ông khẳng định, phải thế không ?... - Thanh tra hỏi Rénine.
- Vâng, vâng, tôi khẳng định là sau án mạng thì sáu mươi tờ giấy bạc
được mang đến đấy.
- Chúng ta hãy đi tìm.
Thật là dễ và điều đó được nhanh chóng thực hiện.
Sau nửa giờ, không còn một góc nào mà không được lục soát, không
một đồ mỹ nghệ nào mà không được cân lại.
- Không thấy gì - Thanh tra Morisseau nói - Chúng ta có phải tiếp tục
nữa không ?
- Không - Rénine đáp lại - Những tờ giấy bạc không ở đây nữa.
- Ông muốn nói gì ?
- Tôi muốn nói là người ta đã cất nó đi.
- Ai ? Hãy làm rõ sự buộc tội của ông.
Rénine không đáp lại. Nhưng Gaston Dutreuil thay đổi hẳn ý kiến -
Ông ta thở dốc ra.
- Thưa ông thanh tra, ông muốn tôi làm rõ lời tố cáo như là nó đã xuất
hiện trong câu chuyện của ông sao ? Tất cả cái đó có nghĩa là có một người
bất lương ở đây, giấy bạc mà kẻ sát nhân cất giấu đã bị khám phá, bị kẻ bất
lương lấy trộm đi và đặt vào một chỗ khác chắc chắn hơn. Đó chính là ý
kiến của ông, phải không thưa ông ? Và chính tôi là người bị ông tố cáo về
vụ trộm đó phải không ?
Ông ta tiến lên và đập mạnh vào ngực mình
- Tôi à ? Tôi đã tìm thấy những tờ giấy bạc ? Và tôi giữ chúng lại cho
tôi ? Ông có dám cho là thế...?