Mình, mắt sáng lành lặn còn chả ăn ai. Đằng này, mắt mũi lèm nhèm đã
đành, lại chưa một ngày ngửi cứt khói, đến cầm cái cát tút còn run cầy sấy
mà dám phán láo. Chuyện nhiêu khê lắm. Đận ấy tao về phép sang chơi, vớ
được một lão thầy đang lập đàn, hô hoán gọi tên, bấm giờ loạn xị. Thấy
cảnh thế, điên máu tao thộp ngực lão thầy pháp, tế cho một trận. Đoạn tao
đốt đùng đùng cả một bó hương tướng, cắm lên bàn thờ: “Này ông - tao
đấu mặt với tấm ảnh trên ban - tôi cứ nói thật không gân cốt gì cả. Ông mồ
yên, mả đẹp, sung sướng chán vạn còn đòi hỏi nỗi gì. Vật mình, vật mẩy,
trước thì ông được chết, bây giờ thì ông đáng chết - chết lần nữa!”. Lạ thế,
bát hương bốc hỏa luôn. Từ đấy êm hẳn. Chỉ thỉnh thoảng mới về hờn dỗi
bác tao một tí. Trẻ mà, lúc chết mới mười chín tuổi, dằn dỗi in ít cũng chấp
nhận được. Trẻ con đứa nào chả thế.
Bình ních nóng nảy:
- Quên cái chuyện họ hàng nhà mày đi. Liên quan gì đến thằng Vịnh,
thằng Phương.
- Ngu. Im mồm! Sao lại không liên quan. Tao ngẫm rồi. Hình như hồn
kiếp con người ta có thật. Hôm nay đông đủ, bọn chúng nó về báo đấy. Tao
ngờ lắm sự mất tích của hai đứa. Hẳn có điều gì ẩn khuất ở đây. - Giọng
Thắng vịt trầm xuống. - Nghĩ cũng buồn, tụi mình bây giờ sung sướng cả.
Vậy mà chẳng đứa nào giúp gì chúng nó.
- Nhưng biết giúp cái gì - Biên mu-gích đỡ lời bằng thứ giọng còn não
nề hơn. - Đến tìm kiếm nhắn tin là hết. Dù sao hai thằng cũng được công
nhận liệt sĩ. Đành an ủi vậy chứ biết làm sao, tao đi đường “năm trăm”.
Dọc tuyến đào được vô khối cốt. Nhìn đồ nghề chôn theo, biết là cùng
trang với bọn mình. Biết, mà không làm gì được. Đành gói ghém đưa về
quy tập ở nghĩa trang liệt sĩ, thành mộ vô danh. Nói phải tội, chết là hết,
vong hồn, vong hiếc gì. Tao không tin. Nếu có, ắt chúng nó phải tự chỉ chỗ.
Bình ních: