cốt, vừa hóa ở đài hoàn vũ còn nóng. Những nén hương cháy vội vã, đỏ
ngời ngời. Làn khói đặc tụ lại mang hình đám mây và sắc xanh của bầu
trời. Chính lúc ấy, lảnh lót vang lên tiếng hót của con chim liếu điếu. Em
gái thằng Phương, giờ đã là mẹ của hai đứa con lớn, vội quỳ thụp xuống.
Không khóc mà kêu lên mừng rỡ:
- Anh Phương! Đúng anh Phương! Anh Phương đã về.
Tất cả lặng người đi. Đó là sự thật!
Một sự thật khác. Nhân vật gã là cái cớ của câu chuyện này. Sau ngày
rời khu trại của ba cô gái, cuộc đời gã đã bị loại hẳn, chỉ có thể tóm tắt
trong vài dòng. Gã chui nhủi một thời gian. Nếu không có dòng địa chỉ của
Lanh, hẳn mọi chuyện với gã đã kết thúc. Từ nghĩa trang làng, gã lần mò
tìm về người đàn bà đã cứu gã. Gã kịp có một cuộc sống chồng vợ trong
vài, bốn năm. Người đàn bà chết vì nhiễm độc da cam. Tôi không dám bình
phẩm gì về đoạn đời này của gã. Thực lòng, tôi không thể biết với gã, với
người đàn bà kia, cuộc sống ấy liệu có thể gọi là hạnh phúc? Gã tiếp tục
sống với con gái mình. Điều này thì tôi dám quả quyết. Cái gọi là sự sống
của gã kéo dài được bao nhiêu, phụ thuộc vào chính sức chịu đựng của gã.
Cái đêm vô tình của đám bạn bè, đã đánh thức gã dậy, làm vợi đi chút gánh
nặng của mặc cảm lỗi lầm. Gã để lại bức thư, kể hết mọi chuyện với lời hứa
sẽ mang được xác bạn gã về. Điều đó đã được thực hiện. Tự tay gã phá đi
ngôi mộ của mình trong nghĩa trang. Cuối cùng, gã đã được sống trở lại. Gã
về ngôi nhà của mình cùng với con gái. Còn điều này, trở về cùng với bố
con gã có di hài của Lanh và Phương. Phương nằm chính vào chỗ của gã.
Cạnh đó là Lanh. Ai cũng vui vẻ chấp nhận hai ngôi mộ mới trong nghĩa
trang liệt sĩ của làng.
Cuối cùng gã đã được sống trở lại. Đúng hơn, sau hai mươi năm chưa
chết, gã đã thực sự được sống!