được biệt phái về đơn vị giám sát thi hành hiệp định, trực thuộc Bộ tư lệnh.
Gã nằm trong một nhóm công tác ở trạm hòa hợp núi Quýt. Trạm đặt ngay
chân núi phía sông. Núi Quýt không cao lắm nhưng rộng. Từ thời chín
năm, vẫn là vùng tranh chấp giữa hai bên. Núi có nhiều hang, rất thuận tiện
cho việc tác chiến và hậu cần. Nhóm công tác của gã luân phiên trực tại
trạm. Trạm, đơn giản chỉ là một căn nhà bằng tre nứa nhưng chắc chắn, do
lính của hai bên xây dựng. Buồn cười lắm, đánh nhau chí chát, giờ dàn mặt
nhau, hết đấu khẩu đường lối đến thăm hỏi xã giao, thậm chí có lúc phiễu
phão, như thể chưa hề có chiến tranh bao giờ. Vẫn biết gã là sinh viên.
Nhưng trình độ ấy đã lấy gì làm ghê gớm. Vậy mà sự hiểu biết của gã
không những làm các thành viên trong nhóm nể phục mà còn khiến đối
phương kinh ngạc. Có một thằng sĩ quan tâm lí chiến, từng tốt nghiệp văn
khoa Sài Gòn, ngày đầu vênh vác lắm. Sau vài lần tiếp xúc, thằng kia tỏ ra
dè dặt, thận trọng, cuối cùng thì chịu hẳn. Gã có thể nghênh tiếp tay tâm lí
chiến kia hàng giờ, về đủ mọi lĩnh vực. Đại loại, luận bàn nguồn gốc và bản
chất chiến tranh bằng mọi thứ chủ nghĩa, không loại trừ cả thuyết phân tâm
của Freud. Tay sĩ quan nể lắm. Đến món sở trường của hắn là văn chương,
gã vẫn cao giọng được. Không biết đọc từ bao giờ, gã bình phẩm làu làu
các trào lưu văn học trong và ngoài nước. Gã viện cả đến cái chết của Nhất
Linh để chỉ trích sự bế tắc của văn chương Sài Gòn thì cha sĩ quan tâm lí
chiến hết chịu nổi. Hắn hỏi giọng thán phục:
- Thưa ông, trình độ như ông trong quân đội liệu được mấy phần trăm?
Gã trả lời tỉnh bơ:
- Nhằm nhè gì. Tôi thuộc số đông. Thú thực trình độ văn hóa của tôi
mới chỉ hết cấp ba, tương đương với tú tài toàn phần trong này. - Gã hạ
mình rất khéo.
Thằng sĩ quan tâm lí chiến nín lặng. Hắn không một mảy may nghi
ngờ. Mắt hắn chứa một điều gì đó không nói ra được. Sau này khi hiệp định
ngừng bắn bị phá, trong trận đánh ở núi Quýt gã có gặp lại tay sĩ quan kia.