Natalya ngắt lời chồng, giọng nàng run lên và nàng biết nàng không sao
còn tự chế ngự được nữa:
"Chỉ còn ba năm? Với anh… thì đúng là chỉ còn ba năm. Người ta có cho
anh ra ngay bây giờ anh cũng không muốn. Anh sống với những người bạn
của anh, sống với công việc anh thích. Anh không bị ai xô đuổi… Còn
em… Em đã mất sở làm, em không còn gì bám víu để sống. Em hết sức rồi,
em không còn chịu đựng được nữa. Em chết ngay đi còn hơn. Bọn sống
cùng một nhà với em hành hạ em đủ cách. Họ liệng rương của em ra sân,
họ phá đồ đạc trong phòng em. Họ biết em không dám nói nửa tiếng. Họ
biết họ có thể đuổi em ra khỏi Mạc Tư Khoa. Em không còn đi lại với các
em của em, với dì Zhenya. Họ bảo em là con ngu. Họ khuyên em ly dị và
làm lại cuộc đời. Bao giờ thì em hết khổ? Anh thấy em tàn tạ như thế nào
không? Em mới có ba mươi bảy tuổi nhưng ba năm nữa em sẽ là bà già.
Em về nhà nhưng em không còn sức nấu ăn cho em, em không còn sức dọn
dẹp trong phòng. Em nằm xuống và em không còn dậy nổi. Larik… anh
yêu… nếu còn thương em, anh hãy nghĩ cách làm sao mau ra khỏi đó. Anh
có thể nghĩ được cách nếu anh muốn. Hãy sáng chế cái gì cho họ đi. Cứu
em với. Cứu em!"
Nàng không muốn nói như thế nhưng nàng đã nói. Tim nàng như vỡ trong
ngực nàng. Nàng run lên vì những tiếng nấc nghẹn và nàng hôn lên bàn tay
chồng. Rồi nàng gục đầu xuống mặt bàn, nơi từng hứng không biết bao
nhiêu giọt lệ.
"Xin đừng làm ồn…"
Người gác nói như chính y là người có lỗi, y lấm lét nhìn ra cửa.
Nét mặt Gerasimovich sắt đanh lại. Những tiếng nức nở nghe không êm tai,
không đẹp chút nào vang ra tận hành lang. Bóng dáng Klimentiev hiện ra
giữa khung cửa. Y trợn mắt nhìn vào lưng người đàn bà đang khóc. Y
muốn bước vào nhưng lại do dự. Sau cùng, y đưa tay ra với cánh cửa, đóng
lại.
Trong những điều cấm không có điều nào cấm khóc. Tuy nhiên nếu những
cuộc gặp gỡ này không có nước mắt vẫn tốt hơn.