Cảnh nghỉ ngơi thảnh thơi của ngày Chủ nhật ngự trị trên gian phòng đầy
những giường ngủ. Nhiều người nằm trên giường nói chuyện với bạn,
nhiều người khác đang đọc sách, những mẩu đối thoại bay đi, bay lại quanh
họ. Nhiều người khác nằm yên, hai tay đặt dưới đầu, nhìn ngay lên trần
phòng.
Tất cả những thứ tiếng ấy hòa hợp thành một âm thanh hỗn độn.
Tù nhân Zemelya, nằm phây phây trên chiếc giường trên, anh bận quần cụt,
ở trần, tay mân mê những sợi lông trên ngực, miệng mỉm nụ cười vui và
hiền lành thường trực, đang kể một câu chuyện với tù nhân Miska Mordvin
nằm cách anh hai giường:
"Nếu chú muốn biết sự thật… Tất cả những bê bối này bắt đầu bằng một
nửa đồng kopeck".
"Sao? Liên can gì đến đồng kopeck?"
"Trước đây, trong năm 1926, 1928 gì đó – năm đó chú còn nhỏ xíu – ở
trước những ghi-sê phát tiền người ta có treo tấm bảng "Nhớ lấy cả những
đồng một nửa kopeck tiền lẻ". Thời đó có đồng nửa kopeck. Bọn phát tiền
có bổn phận phải trả đủ cả từng đồng. Đó là thời thanh bình…"
"Thời đó không có chiến tranh sao?"
"Không có chiến tranh – chú có thể tưởng tượng được không? Đó là thời
trước chiến tranh. Thanh bình. Phải đó, thanh bình. Trong những công sở
người ta làm việc sáu tiếng đồng hồ một ngày, không phải làm quá nhiều
giờ như bây giờ. Và mọi việc đều êm đẹp. Mọi người làm việc tốt. Chỉ cần
chú phải làm việc thêm mười lăm phút là người ta trả chú tiền phụ trội liền.
Chú nghĩ coi cái gì biến mất trước nhất? Những đồng nửa kopeck. Tình
trạng bê bối bắt đầu. Rồi đến những đồng tiền biến mất. Tới năm 1930,
những đồng bạc biến nốt. Không còn tiền lẻ nữa. Đôi khi, họ không thèm
trả chú cả những đồng ruble lẻ. Kể từ đó, những sai lầm theo nhau đến. Ở
ngoài phố, bọn hành khất không thèm hỏi xin đồng kopeck nữa, họ nói:
"Bạn công dân, cho tôi một đồng ruble…". Khi lãnh tiền lương do nhà
nước trả, chú chớ dại mà đòi họ trả cho chú cả những đồng kopeck ghi trên
sổ lương – họ sẽ cười vào mũi chú, họ sẽ gọi chú là… đồ bần tiện, bủn xỉn.