đừng thua lỗ và (2) không được quên nguyên tắc thứ nhất.
Philip Fisher - người ảnh hưởng thứ hai
Philip Fisher là nhà tư vấn đầu tư và đã may mắn có nhiều giờ khảo sát, phân tích các công ty
cùng với giáo sư Stanford. Ông cho rằng nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận cao khi: (1)
đầu tư vào những công ty có tiềm năng trên trung bình và (2) đầu tư vào những công ty có ban
giám đốc tài năng. Sau đó, Fisher đã tạo ra một hệ thống chấm điểm nhằm xác định các công ty
có nằm trong tiêu chuẩn đầu tư của mình hay không. Công ty có tiềm năng trên trung bình phải
có khả năng tăng trưởng doanh số cao hơn trung bình. Khi tăng trưởng doanh số, công ty sẽ
đầu tư mạnh vào nghiên cứu phát triển và hệ thống bán hàng. Hai yếu tố này lại có tác dụng
thúc đẩy đà tăng trưởng doanh số của công ty.
Không chỉ quan tâm đến doanh số, Fisher còn quan tâm đến mức tăng trưởng lợi nhuận.
Theo ông, một công ty tốt phải biết cách kiểm soát và quản lý hiệu quả tất cả các loại chi phí
tạo nên giá thành của sản phẩm. Ông còn quan tâm đến nguồn vốn cho sự tăng trưởng của
công ty. Ông không đánh giá cao các công ty không thể tự tái đầu tư mà chỉ có thể tăng trưởng
nhờ vào phát hành cổ phiếu hay tăng vốn từ cổ đông.
Khi ấy, gánh nặng chia lãi cho số lượng lớn cổ đông đã hủy đi thành quả tăng trưởng. Để
quyết định đầu tư vào một công ty nào đó, Fisher đầu tư rất nhiều công sức, thời gian để
nghiên cứu, mổ xẻ công ty đó – điều mà không phải nhà đầu tư nào cũng sẵn sàng làm. Và
chính vì phải tốn nhiều công sức như vậy, Philip Fisher ít khi đầu tư vào nhiều công ty. Danh
mục đầu tư của ông thường chỉ có ba đến bốn công ty.
John Burr Williams - người ảnh hưởng thứ ba
Tốt nghiệp trường Kinh doanh Harvard và làm việc cho các công ty tại phố Wall, John Burr
Williams đã chứng kiến thị trường trải qua những biến động vào thập niên 1920 và đỉnh điểm
là cuộc Đại Suy thoái năm 1929. Vì những biến động này, Williams nhận thấy tầm quan trọng
của kiến thức kinh tế đối với một nhà đầu tư. Do đó, ông đã nhất quyết trở lại Harvard để làm
đề án tiến sĩ về kinh tế. Dưới sự hướng dẫn của Joseph Schumpeter, nhà kinh tế học người Áo
nổi tiếng về lý thuyết “Sự phá hoại mang tính sáng tạo”, John Burr Williams đã thực hiện đề án
tiến sĩ Lý thuyết đầu tư giá trị. Năm 1938, đề án này đã được in thành sách. Nó gây ảnh hưởng
mạnh mẽ đến những nhà phân tích tài chính và nhà đầu tư, trở thành nền tảng cơ sở cho
những nhà kinh tế học như Eugene Fama, Harry Markowitz hay Franco Modigliani viết nên lý
thuyết của họ.
Lý thuyết tài chính của John Burr Williams là mô hình chiết khấu dòng tiền cổ tức: “Để biết
giá trị của một cổ phiếu hôm nay, chúng ta sẽ chiết khấu tất cả những dòng tiền do cổ phiếu đó
mang lại về giá trị hiện tại.” Đây cũng là phương pháp Warren Buffett đã dùng để tính toán giá
trị công ty. Nguyên tắc chính là chiết khấu tất cả dòng tiền do cổ phiếu hay cổ phần “đẻ” ra về
giá trị hiện tại. Cộng tất cả những giá trị này lại, chúng ta sẽ ra giá trị tài sản mà mình muốn
tính. Trong cuốn sách Những tư tưởng chủ đạo
có viết rằng: “Hệ
thống của Graham là những luật cơ bản, phương pháp chiết khấu dòng tiền cổ tức của John
Burr Williams là lý thuyết, và chúng cùng khuyến nghị đầu tư vào những cổ phiếu giống nhau.”
Warren Buffett đã áp dụng cả hai và thành công vượt bậc.
Charles Munger - người ảnh hưởng thứ tư
Charles Munger là đồng hương Omaha với Warren Buffett. Ông vốn hành nghề luật sư nhưng
rất quan tâm và đam mê đầu tư. Vào cuối thập niên 1960, ông là Chủ tịch của Blue Chip
Stamps. Năm 1978, sau khi Berkshire và Blue Chip Stamps sáp nhập, Munger trở thành Phó
Chủ tịch của Berkshire Hathaway. Ông và Buffett bổ sung cho nhau như một cặp bài trùng ăn ý.
Buffett dùng cụm từ “Charlie và tôi” nhiều lần trong văn bản, như thể họ là cùng một người. Họ