luôn hành xử như những người quản lý kinh doanh chuyên nghiệp và đạo đức, luôn đặt quyền
lợi của cổ đông lên hàng đầu.
Tuy vậy, triết lý đầu tư của Munger không phải lúc nào cũng tương đồng với Buffett. Trong
thời gian đầu, triết lý của Buffett là đầu tư vào các công ty có giá rẻ (bargain price). Munger thì
lại tin vào việc đầu tư vào các công ty chất lượng với giá hợp lý (fair price). Chính Munger đã
thuyết phục Buffett đầu tư vào See’s Candy và Coca Cola, những công ty chất lượng và có mức
giá cao hợp lý.
Học và vượt lên những người thầy
Vào năm 1969, Warren Buffett từng nói rằng: “Tôi là 15% của Fisher và 85% của Benjamin
Graham.” Sự khác nhau giữa phong cách đầu tư của hai người là rất rõ ràng. Trong khi Graham
dựa vào phân tích định lượng để tìm ra những công ty có giá trị nội tại cao hơn giá thị trường,
thì Fisher lại dựa vào phân tích định tính để tìm ra những công ty có tiềm năng tăng trưởng giá
trị nội tại trong tương lai. Theo thời gian, Buffett đã chuyển dịch từ chiến lược đầu tư của
Graham sang chiến lược của Fisher. Theo cảm nhận của tác giả, hiện nay tỷ lệ không còn là
85% Graham và 15% Fisher nữa mà có thể rất gần với mức 50% – 50%. Chính Munger là
người đóng vai trò ảnh hưởng lớn lên Warren Buffett và làm cho ông từ từ chuyển dịch chiến
lược đầu tư theo trường phái của Philip Fisher.
Warren Buffett đã học và phối hợp những tinh hoa của bốn người trên để tạo ra phong cách
đầu tư cho riêng mình. Ông đã áp dụng chúng một cách xuất sắc để đạt được những kết quả
đầu tư vượt trội.
Dùng các công ty bảo hiểm làm nền tảng xây dựng
nên đế chế đầu tư
Khi thấy rõ tương lai khó khăn của nhà máy dệt Berkshire Hathaway, Warren Buffett đã
quyết định đầu tư sang ngành bảo hiểm. Vào tháng Ba năm 1967, Berkshire Hathaway đầu tư
số tiền 8,6 triệu đô-la Mỹ vào cổ phiếu của hai công ty bảo hiểm: National Indemnity Company
và National Fire & Marine Insurance Company. Có hai lý do chính để Warren Buffett đầu tư vào
các công ty bảo hiểm này. Thứ nhất, chúng là những công ty khỏe mạnh và đạt tiêu chuẩn của
chiến lược đầu tư giá trị. Thứ hai, chúng là những công cụ đầu tư tuyệt vời. Với dòng tiền (phí
bảo hiểm) dồi dào do khách nộp vào đều đặn, sau khi dành ra khoản dự trữ, công ty sẽ đem
đầu tư để sinh lợi. Và với lợi nhuận do đầu tư đem lại cộng với lãi hoạt động của các công ty
bảo hiểm, Warren Buffett lại tiếp tục đầu tư mạnh vào các công ty này. Đến năm 2004,
Berkshire đã sở hữu 38 công ty bảo hiểm, trong đó có hai tập đoàn lớn là Government
Employees Insurance Company (GEICO) và General Re, và những công ty này lại có nhiều công
ty con bên dưới.
Bảo hiểm không phải là một ngành dễ kinh doanh. Sản phẩm của các công ty bảo hiểm khó
có thể tạo được sự khác biệt. Điều khoản hợp đồng và những thứ khác có thể bị sao chép một
cách dễ dàng. Không có điểm đặc biệt nào để các công ty tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm.
Phần đông các công ty bảo hiểm đã dùng chiến lược giảm giá để cạnh tranh và giữ thị phần.
Buffett tạo ra sự khác biệt cho công ty mình bằng hai cách. Thứ nhất, ông tạo ra chỉ số tài chính
mạnh cho các công ty bảo hiểm của mình. Vào thời điểm đó, tổng doanh thu và lợi nhuận của
các công ty bảo hiểm Berkshire chỉ đứng sau AIG. Tỷ lệ giữa tổng số tiền đầu tư (35,3 tỉ đô-la
Mỹ) trên doanh số phí bảo hiểm (8,1 tỉ đô-la Mỹ) cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của
ngành. Thứ hai là phương pháp thẩm định. Các công ty của ông thẩm định số lượng nhiều với
chi phí hợp lý.
Với hai chiến lược đó, Warren Buffett đã tạo nên sự khác biệt rõ nét cho các công ty bảo
hiểm của mình. Trong khi các công ty khác đôi khi phải tạm ngừng hoạt động thì các công ty
bảo hiểm của Warren Buffett không bao giờ gián đoạn việc cung cấp bảo hiểm cho thị trường.