mà ông ưa thích, tươi cười nhìn hai con chơi với nhau. Thực sự ông
rất yêu thương con mình. Khi còn nhỏ, nghĩa phụ chưa bao giờ cùng
chơi với ông, sau này lớn lên lập gia thất không may liên tiếp mất đi
ba đứa con, khó khăn lắm mới giữ được hai đứa này, mà mẹ chúng lại
lần lượt theo nhau bị bệnh qua đời. A Man và Đức nhi chính là cái rễ
cho sinh mệnh của ông, ông yêu thương chúng như viên ngọc trên tay,
như máu thịt trong tim mình vậy! Đức nhi tuy nhỏ nhưng thích đọc
sách học tập, biết khiêm tốn nhường nhịn, y như một ông cụ non. Còn
A Man thì chỉ thích chơi bời, nhưng lại thông minh lanh lợi, tùy cơ
ứng biến, cũng thật hiếm có.
Tào Tung nghĩ đến chuyện A Man giả vờ bị trúng gió, đúng là rất
thú vị. Một ngày nọ cách đây nửa năm, Tào Tung đang tiếp khách thì
người em họ là Tào Xí chạy đến nói, A Man bị trúng gió đang nằm
ngoài kia. Tào Tung nhớ đến chuyện ba đứa con trai trước đó đều chết
yểu, sợ hãi quá, vội chạy đi xem thế nào thì A Man vẫn đang ngồi
bình thản như không trong phòng. Từ đó về sau còn hai lần nữa tình
huống cũng y như vậy, Tào Tung nghi hoặc, A Man thì lấy làm buồn
tủi bảo:
— Không biết vì sao mà thúc thúc rất ghét hài nhi, cứ luôn nói
xấu hài nhi trước mặt cha.
Từ đó về sau, Tào Xí có đến nói với ông những câu kiểu như A
Man bệnh rồi, A Man không thích học, A Man gây tai họa ở bên
ngoài... Tào Tung chỉ coi như gió thoảng ngoài tai. Lâu ngày, cái chiêu
ấy không còn linh nghiệm nữa, A Man lại đổi trò mới, vờ bị bệnh thật,
ra sức để thúc thúc của mình không mở miệng nói được câu gì, đúng
là láu cá vô cùng. Tào Tung dần hiểu ra nguyên do đầu đuôi sự việc,
nhưng không những không trách A Man, mà lại cảm thấy đứa con trai
mới mười hai tuổi đầu này mà đã có thể nhanh trí như vậy thì đúng là
không phải tầm thường.
Lúc này đây, trong đầu Tào Tung bỗng không ngừng hiện lên con
số “12”. Ông nhớ lại khi là đứa trẻ mười hai tuổi mình như thế nào: