Tào Dận không ngờ đứa cháu mình lại cứng đầu như thế, dám nói
mình cưỡng từ đoạt lý, đã thế đến hôm nay vẫn còn tranh cãi về việc
kia, ông tức giận hằm hằm nói:
— Ngươi không sai, vậy chẳng lẽ phụ thân ngươi sai? Là phận
con mà động một tí lại nói lỗi là của cha, bản thân thì không hiểu lý lẽ.
Hôm nay không phải đọc sách nữa, ra kia quỳ xuống mà tự suy nghĩ
cho ta!
A Man liếc nhìn ông, biết rằng có tranh luận thế nào cũng chẳng
thu được kết quả gì, đành đứng lên đi ra cửa, quỳ xuống giữa sân.
Mặt trời nóng như thiêu như đốt dường muốn nấu chín người ta,
A Man đội nắng, bụng ôm nỗi ấm ức quỳ ở giữa sân. Cậu mân mê cây
Thanh Cang kiếm đeo bên người, thầm nhủ: “Bảo kiếm ơi bảo kiếm,
tất cả người trong họ này mắt đều đui cả rồi, chỉ có mi mới biết tấm
lòng ta, chỉ có mi mới hiểu thế nào là thị phi thiện ác...”
— Cấm được động đậy! - Tào Dận quát một tiếng cắt ngang rồi
chạy đến bên cậu. - Cởi cây kiếm ra đưa cho ta!
A Man chẳng buồn nhìn ông ta, chỉ lắc đầu quầy quậy.
— Cởi thanh kiếm ra!
A Man ngẩng đầu nhìn ông ta, ánh mắt đầy oán giận, người chú
không có chút cảm tình nào ấy rốt cuộc là muốn cướp nốt cây kiếm,
đến chút an ủi cuối cùng cũng không chừa cho cậu.
— Ngươi có cởi ra hay không? - Tào Dận hét lớn.
— Không cởi! - A Man nghiến răng nghiến lợi bướng bỉnh đứng
dậy. - Tại sao điệt nhi phải nghe thúc...
Chưa đợi cho cậu nói hết, cây thước trong tay Tào Dận đã quật
ngay vào mặt, một vệt lằn đỏ hiện rõ trên khuôn mặt trắng trẻo. A
Man không thấy đau, mà chỉ thấy thật mơ hồ, vừa lúc ấy nghe tiếng
Tào Dận quát:
— Đồ bỏ đi nhà ngươi! Chỉ biết làm bại hoại gia phong, xấu mặt
gia tộc thôi.