— Ồ! - Tào Tháo không ngờ là ông ấy, cung kính nói, - Ngày
trước Quách Lâm Tông có khen “Vương sinh ra đã tài năng xuất
chúng, là người phò tá quân vương thành nghiệp lớn vậy” chắc hẳn là
nói về Vương huynh đó chăng?
Vương Doãn hơi chắp tay, nghiêm mặt nói:
— Cùng là bề tôi một triều, chớ luận trước hay sau, Doãn này
không dám gánh một chữ “huynh” của đại nhân.
Tào Tháo thấy ông ta cứ mở miệng là tránh người khác ra ngoài
hàng ngàn dặm để giữ thế, mới hiểu rằng lời đồn đại quả không sai.
Vương Doãn người huyện Kỳ, Thái Nguyên, nổi tiếng là người
cương trực quả cảm. Mười chín tuổi khi đang là quan lại ở quận đã
xông vào phủ đệ Trung thường thị, đâm chết đại hoạn quan Triệu Tân
- kẻ đang lộng hành một vùng, khiến cho tiên đế nổi giận, quận thú
phải mất mạng, và ông ta cũng gặp nguy hiểm bất trắc. Nhưng cùng
với tuổi tác ngày càng cao, ông ta chẳng những không hề thay đổi tính
cách của mình, mà càng thêm hà khắc phạm thượng. Năm hai mươi
hai tuổi, nhân một tên tiểu lại có chuyện tư túi trong việc tuyển lựa,
ông ta liền mắng nhiếc thái thú Thái Nguyên là Vương Cầu ngay tại
công đường, khiến Vương Cầu xấu hổ phát giận, bắt đem hạ ngục tính
kế xử tội chết. Nhưng ông ta mạng lớn, lại thêm khi ấy Đặng Thịnh
vừa vặn được bổ làm thứ sử Tịnh châu, nghe được chuyện ấy vô cùng
khen ngợi, đã lập tức cho truyền văn thư đến bổ ông ta làm chân biệt
giá tòng sự, nên mới may mắn cứu được mạng sống cho ông ta. Sau
chuyện ấy, đường sĩ hoạn của Vương Doãn thẳng một lèo thuận buồm
xuôi gió, mà càng phát tính khí, càng có nhân duyên, khiến tam công
đều nhất trí thăng ông ta lên làm thị ngự sử. Hôm nay Tào Tháo gọi là
“Vương huynh” chẳng qua cũng là một câu khách sáo, nhưng ông ta
lại lấy nghĩa đồng liêu mà không dám nhận. Giao tình giữa Đặng
Thịnh với ông ta có công có tư, nhưng ngay đến một câu nói đùa cũng
không nói được, đủ thấy sự nghiêm khắc của Vương Doãn.
Đặng Thịnh thấy hơi khó xử: