Vàng ở Nam Dương lại tạo phản lần nữa, lập Hàn Trung, Triệu Hoằng,
Tôn Hạ làm thủ lĩnh, đánh phá Uyển Thành, tụ tập phản dân đến hơn
mười vạn.
Bị bức bách bởi tình thế nguy cấp, triều đình hạ lệnh cho quân
chủ lực của Chu Tuấn và Hoàng Phủ Tung chia làm hai đường: một do
Hoàng Phủ Tung thống lĩnh đi lên phía bắc thảo phạt quân Khăn Vàng
ở Hà Bắc, nửa còn lại do Chu Tuấn thống lĩnh xuống phía nam bình
định bạo loạn ở Nam Dương.
Sau khi Hoàng Phủ Tung nhận mệnh đã đánh bại nghĩa quân vượt
sông ở Thương Đình, bắt sống thủ lĩnh là Bốc Tị.
Đúng lúc ấy, thủ lĩnh tối cao của Thái Bình đạo và khởi nghĩa
Khăn Vàng là Trương Giác bị bệnh chết, quân Khăn Vàng ở Hà Bắc
lập tức rơi vào tình trạng rối loạn. Hoàng Phủ Tung nhân cơ hội, chỉnh
đốn lại số quan quân chiến bại lần trước, lại lần nữa tiến vào vây bức
Quảng Tông, dùng chiến thuật lấy quân nhàn nhã chờ quân mệt mỏi
lại chiến thắng quân giặc. Chiến dịch này đã chém ngay tại trận “Nhân
công tướng quân” Trương Lương, giết và bắt làm tù binh hơn tám vạn
quân Khăn Vàng. Sau khi giành được Quảng Tông, quan quân cho
quật quan tài Trương Giác lên, chặt lấy đầu đưa về kinh sư. Tháng
mười một cùng năm, Hoàng Phủ Tung tiếp tục tiến lên phía bắc, bao
vây Hạ Khúc Dương, đó là cứ điểm cuối cùng của quân Khăn Vàng ở
Hà Bắc, thắng lợi đã ở ngay trước mắt.
Trong lúc Hoàng Phủ Tung liên tục đánh liên tục thắng, thì chiến
cục ở Nam Dương lại rơi vào tình thế giằng co. Chu Tuấn đi xuống
phía nam, sau khi hợp binh với thứ sử Kinh Châu là Từ Cầu, thái thú
Nam Dương là Tần Hiệt, đánh chém được thủ lĩnh quân Khăn Vàng là
Triệu Hoằng. Nhưng từ sau khi bao vây Uyển Thành thì quân Khăn
Vàng kiên trì giữ vững không ra, từ tháng Sáu đến tháng Mười một,
quan quân đã tổ chức rất nhiều lần đánh chiếm, mà trước sau vẫn chưa
hạ được Uyển Thành.